Multimedia Đọc Báo in

Non nước Cao Bằng (bài 2)

08:06, 12/05/2024

Bài 2: Đường qua thác Bản Giốc

Tôi bắt chuyến xe buýt Cao Bằng – thác Bản Giốc với cung đường đi ngang qua hai huyện Quảng Hòa và Trùng Khánh. Chặng đường dài chưa đến 100 km nhưng trập trùng lũng dốc, chênh vênh giữa những dãy núi đá vôi bát úp liền kề tưởng không dứt.

Chỉ chưa đầy 3 giờ kể từ khi xuất phát ở TP. Cao Bằng, trước mắt tôi đã hiện ra dòng sông như dải lụa màu lục. Nhìn xuyên qua rừng lá thấp thoáng và những bông lau phất phơ, thác Bản Giốc tung bọt trắng xóa trên nền cây xanh thẫm của vùng biên.

Thác Bản Giốc khu vực thác chính.

Thác Bản Giốc! Tôi tin là người Việt, ai cũng ước trong đời một lần được đến đây chiêm ngắm. Thác không có độ cao hùng vĩ như Niagara nằm giữa biên giới Mỹ và Canada, không dài rộng như Khon Phapheng của Lào nhưng bù lại là cảnh đẹp nên thơ và bốn mùa không cạn nước. Điều đặc biệt là phần thác chính được ghi danh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nôm na là đường biên chung. Dẫn theo sách địa lý thì thác Bản Giốc nằm trên dòng sông Quây Sơn thuộc xã Đạm Thủy của huyện Trùng Khánh. Sông Quây Sơn, phía Trung Quốc gọi là sông Quy Xuân, vốn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về Việt Nam tại Pò Peo của xã Ngọc Côn. Sau khi uốn lượn quanh dãy núi dài Cô Muông thì đổ về đây tạo thành thác Bản Giốc. Chỉ một đoạn dài thôi, sông Quây Sơn lại quay về bên kia biên giới.

Từ độ cao hơn 35 m, sông Quây Sơn tại đây bỗng đột ngột thắt lại giữa triền núi đá vôi khiến dòng nước rẽ đôi thành hai nhánh thác, thác chính và thác phụ. Toàn bộ thác phụ thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Thác chính là đường biên giới chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính cao hơn, bề ngang dài cả trăm mét, nước đổ xuống ầm ào, bọt tung trắng xóa, bắn ra muôn triệu giọt nước li ti mát lạnh như sương. Tôi nhìn sang bên kia bờ sông thấy phía Trung Quốc cũng có bến thuyền, du khách Trung Quốc cũng từng đoàn nối nhau mua vé xuống bè. Một anh lính biên phòng cho hay: “Trước kia không như thế này đâu. Chỉ từ tháng 9 năm ngoái, mình và Trung Quốc tổ chức vận hành thí điểm du lịch tự do tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc. Thời gian thí điểm kéo dài một năm, đến tháng 9 năm nay sẽ tổng kết và xem xét việc kéo dài thời gian”. Tôi hỏi: “Du lịch tự do nghĩa là sao?”. Anh lính biên phòng giải thích: “Theo nội dung triển khai thì du khách hai nước đi vào Khu cảnh quan sẽ không cần visa, giấy thông hành xuất, nhập cảnh theo quy định. Tuy nhiên thời gian đầu có hạn chế số đoàn qua, về và số lượng người trên mỗi đoàn. Tất nhiên, lực lượng chức năng mỗi bên sẽ kiểm soát và phối hợp cùng nhau kiểm soát, bảo đảm an ninh biên giới”.

Chiếc bè ghép từ các ống nhựa đường kính lớn đưa tôi và nhiều du khách Việt ra giữa sông Quây Sơn, quay ngược đầu hướng về chân thác. Từ phía bên kia bờ, nhiều bè chở du khách Trung Quốc cũng có hành trình tương tự. Các bè lần lượt tiến đến chân thác để du khách nhìn ngắm, chụp ảnh lưu niệm. Quả thật, thác Bản Giốc ở đây đẹp như tranh, ai cũng xuýt xoa ngửa mặt lên trời hứng hơi sương tỏa ra từ dòng thác. Rời thác chính, dòng người du lịch lại đổ qua thác phụ cách đó chỉ vài chục mét. Ở đây có cột mốc biên giới, mọi người xúm lại chụp ảnh. Dưới chân thác phụ có những lùm cây tỏa bóng xanh mát, nhiều đoàn khách hoặc gia đình trải bạt, chiếu ngồi chơi và ngắm cảnh, trẻ em thì lội ra suối nhỏ, nghịch nước và tắm táp.

Bè chở du khách Việt Nam giữa dòng Quây Sơn, bờ bên kia là khu du lịch Trung Quốc.

Nhấp chén trà thơm ở mạn Đông Bắc, anh bạn đồng nghiệp của tôi ở Báo Cao Bằng thủ thỉ: “Việc vận hành thử nghiệm du lịch tự do ở đây không phải dễ đâu, cả hai bên đều cân nhắc lắm. Nó xuất phát từ Hiệp định Hợp tác và bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (phía Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên) ký kết từ năm 2016 giữa hai Chính phủ, tiếp đến là kế hoạch triển khai được Thủ tướng Chính phủ ta phê duyệt năm 2017, mãi đến năm 2023 hai bên mới thống nhất vận hành thử nghiệm”.

Tôi ngước nhìn thác Bản Giốc. Buổi trưa chính ngọ, đỉnh thác hắt lên một vầng sáng lấp lóa. Tiếng nước chảy rì rào bài ca của miền biên viễn, của non nước Cao Bằng. Tiếng cây rừng lay trong gió, thoảng như thanh âm buông lơi của cây đàn tính. Dường như tôi thấy bóng những áo chàm của người Tày, người Nùng, những váy áo sặc sỡ của người Dao, Sán Chỉ… và cả người miền xuôi lên đây định cư. Họ quây quần bên ngọn thác, cùng nhau vui chơi, ca hát, cùng nhau làm lụng, sinh con đẻ cái. Không chỉ thế, họ cùng nhau nắm chặt tay, chung một lời thề giữ trọn từng tấc đất nơi miền biên cương của Tổ quốc.

(Còn nữa)

Bài 3: Địa chỉ đỏ Pác Pó

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.