Non nước Cao Bằng (bài 3)
Bài 3: "Địa chỉ đỏ" Pác Bó
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Con đường từ TP. Cao Bằng lên đây không uốn lượn đèo dốc nhiều, hai bên đường là các cụm dân cư như mọc lên từ núi đá vôi; đất trồng hái không rộng nhưng cây cối xanh tốt, đầy sức sống.
Ngay phía trước cổng chào dẫn lối vào khu vực chính Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, phía bên trái trên ngọn đồi cao là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn trăm bậc thang dẫn lên đền, gió mùa tháng năm lồng lộng trên cao. Phóng tầm mắt ra xa là thấy cả một vùng nước non kỳ vĩ của miền Đông Bắc, dưới chân ngọn đồi là dòng suối trong xanh uốn lượn qua các vách núi đá vôi. Đền có quy mô vừa phải nhưng kiến trúc trang nghiêm. Được biết, theo nguyện vọng của nhân dân Cao Bằng, với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, chính quyền và nhân dân các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011. Các đoàn khách đến Khu Di tích Pác Bó đều kính cẩn vào đền dâng hương, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Bác.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó. |
Qua lối cổng chính chừng vài trăm mét, phía bên phải hiện ra vách núi đá sừng sững với mảng xanh của cây rừng mọc cheo leo vách đá. Dưới chân vách đá là con suối nước trong nhìn rõ từng đàn cá bơi lội, đó chính là núi Các Mác và suối Lê Nin, hai địa danh mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên trong những tháng ngày hoạt động cách mạng nơi này. Tôi thả bộ trên con đường lát đá tự nhiên, chợt nhớ lời chị Đàm Thị Khánh, chủ quán nước ngay cổng vào khu di tích: “Đường vào hang nơi Bác ở hoạt động cách mạng bây giờ dễ đi lắm, không như ngày xưa Bác phải vất vả trèo đèo lội suối”… Quả thật, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó được quản lý, chăm sóc gìn giữ cẩn thận. Đường đi lối lại vẫn giữ nguyên nét thiên nhiên tạo dựng nhưng phong quang và rộng rãi hơn. Nhiều đoàn khách du lịch nối nhau đi trong yên tĩnh của núi rừng Pác Bó, giữa tiếng ve rừng râm ran và suối Lê Nin ắp nước trong xanh. Gần như đoàn nào cũng có hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ từng địa danh, di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời kỳ non trẻ của cách mạng Việt Nam. Khi cô hướng dẫn viên giải thích chữ Pác Bó còn gọi là Pắc Bó hay Cốc Bó, theo tiếng dân tộc Tày nghĩa là “nguồn nước”, một bác cựu chiến binh lớn tuổi bên cạnh nói nhỏ với tôi: “Không phải đơn giản chỉ là nguồn nước của suối Lê Nin đâu, đây là nguồn nước cách mạng, nguồn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đấy nhé!”.
Men theo suối Lê Nin ngược dòng phía bên phải, đoàn chúng tôi đi qua nhiều địa danh, di tích lịch sử trước đây chỉ mường tượng qua sách vở. Một tảng đá rộng bên bờ suối có tấm biển ghi rõ: “Sau những buổi làm việc, Bác Hồ thường ngồi câu cá tại đây (1941)”. Cách đó chừng vài trăm mét là những dấu tích lịch sử đặc biệt khác như nền nhà của ông Lý Quốc Súng, nơi Bác Hồ ở và làm việc trong thời gian từ ngày 28/1/1941 đến ngày 7/2/1942. Ấn tượng hơn cả với du khách là hang Pác Bó, nơi ở và làm việc lâu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Ngay ở cửa hang có tấm bia khắc lại bài thơ của Người vào năm 1961, khi trở lại thăm nơi này: “Hai mươi năm trước ở hang này/ Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây/ Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/ Non sông gấm vóc có ngày nay (Hồ Chí Minh, 20/2/1961)”.
Hang Pác Bó có lối vào hẹp nhưng lòng hang rộng, đủ cho một người làm việc và nghỉ ngơi. Ánh sáng tự nhiên chỉ đủ hắt lối ra vào, lòng hang mờ tối với hai di tích đặc biệt là chiếc giường được ghi chú “Giường Bác Hồ nghỉ và làm việc” và cái bếp là nơi Bác thường nấu nước pha với lá ổi để dùng. Bếp được kê bởi ba hòn đá, bên trên là chiếc ấm nhôm xám màu thời gian. Cạnh đó là tấm bảng ghi khổ thơ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu: … “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/ Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/ Ai hay ngọn lửa trong hang núi/ Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau…” (Trích trong tập thơ “Theo chân Bác” của Tố Hữu, tháng 1/1970).
Trong lòng hang Pác Bó. |
Ngồi nghỉ bên bờ suối Lê Nin, bác Hoàng Trọng Sơn (68 tuổi), cựu binh chiến trường K xúc động nói với các thành viên trong đoàn: “Nơi này đúng là địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam các ông bà ạ. Tôi thì không đọc nhiều nhưng biết rõ. Người về đây từ đầu năm 1941, rồi ở đây suốt cả mấy năm trời. Rừng sâu, hang thẳm, nhưng chính tại nơi này, Người đã ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng cho cách mạng Việt Nam như triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII năm 1941, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Chưa hết đâu, Người còn chỉ đạo thành lập Đội du kích Pác Bó rồi tiến tới thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính suy nghĩ và tầm nhìn thiên tài của Người mà làm nên tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám”…
Những lời kể đầy cảm xúc của bác Hoàng Trọng Sơn như lắng lại giữa núi rừng Pác Bó. Bên cạnh tôi không xa là một di tích lịch sử đặc biệt khác, chiếc bàn đá mà Hồ Chủ tịch từng nhắc đến trong bốn câu của bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”: Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Trưa tháng năm chớm hè, Pác Bó đón từng làn gió mát thổi từ phía đầu nguồn suối Lê Nin, len qua những cánh rừng xanh của dãy núi đá vôi và hang Pác Bó huyền thoại. Bất giác tôi nhớ lại những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”: Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp/ Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa/ Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép/ Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ…
(Còn nữa)
Bài cuối: Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc