Multimedia Đọc Báo in

Ai lên Trùng Khánh

09:03, 23/06/2024

Nhìn trên bản đồ Việt Nam, tỉnh Cao Bằng nằm ở phần chỏm cao nhất của vùng đông bắc. Và phía trên, cao nhất của tỉnh Cao Bằng là các huyện Bảo Lâm, Trùng Khánh.

Trùng Khánh cũng quen lắm, ở miền Trung, miền Nam, vào mùa thu chớm đông hay có những xe hạt dẻ kèm tấm bảng nắn nót mời gọi: “Hạt dẻ Trùng Khánh”. Nhưng bây giờ lại đang mùa hè, tôi lang thang lên chót cùng Tổ quốc không phải để nếm vị hạt dẻ béo bùi mà để ngắm nước non Cao Bằng và biết thêm một thị trấn nhỏ miền cao có cái tên gợi nhớ.

Thị trấn Trùng Khánh là trung tâm của huyện cùng tên, cách TP. Cao Bằng gần 60 km. Đường sá lên đây đèo dốc, ngoài Quốc lộ 4 còn có hai ngả đường đều là tỉnh lộ, đánh số 206 và 211. Quanh co những dãy núi cao hiểm trở, vực sâu hun hút nhưng bù lại cảnh vật mê đắm.

Mỗi khúc cua lại mở ra một trường đoạn hình ảnh ấn tượng, khi thì núi đá cao choáng ngợp, khi thì vực sâu nhìn xuống ao hồ như những chiếc gương con, lại thỉnh thoảng xuất hiện những bản làng với nhiều ngôi nhà mái tranh đùn khói, đàn trâu no cỏ thung thăng trong nắng chiều.

Trùng Khánh đất rộng người thưa nhưng ít ai biết địa danh này từng có lúc thay thế cả địa danh Cao Bằng, đó là thời nhà Nguyễn năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Sau năm 1975, huyện Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Lạng, đến cuối năm 1978 thì trở thành một huyện của tỉnh Cao Bằng mới thành lập.

Cầu treo trên sông Bắc Vọng - một góc nước non Trùng Khánh. Ảnh: qdnd.vn

Người ta có thể ít nhớ cái tên huyện miền cao Trùng Khánh, nhưng ai đã tới thì không thể nào quên các địa điểm du lịch nổi tiếng như thác Bản Giốc, thác Cò Lả, động Ngườm Ngao, động Ngườm Ma… Riêng thác Bản Giốc nằm ở biên giới Việt – Trung là mơ ước trong đời của nhiều người được đặt chân đến dù chỉ một lần. Tôi đã đến đây, nhìn lên đỉnh thác, thấy nước sông Quây Sơn như chảy ra từ trời, từ những đám mây vần vũ níu ngọn cây rừng.

Buổi sáng tôi đến xã Phong Nậm cách thị trấn Trùng Khánh khoảng mươi cây số, cảnh đẹp quá, bên một nhánh của dòng sông Quây Sơn, giữa bốn bề núi đá là cánh đồng ngô mênh mông nối tiếp những cánh đồng cây thuốc lá đang vào vụ.

Tôi dừng chân lội xuống mảnh ruộng nhỏ đang vỡ đất vào phân, gặp người đàn ông dáng vẻ lão nông tri điền. Nghe giọng miền Trung, lão nông gương mặt hiền lành, thật thà hỏi: “Ở miền Trung, có biết Tây Nguyên, có biết Đắk Lắk không?”

Tôi cười bảo tôi gần như thuộc hết miền Trung – Tây Nguyên rồi. Vậy là câu chuyện trở nên mặn mà. Lão nông tên là Nông Văn Tiếp, 68 tuổi, người dân tộc Tày.

Qua trò chuyện mới biết, xã Phong Nậm cũng như cả huyện Trùng Khánh gần như chủ yếu là người Tày và Nùng sinh sống. Có người Kinh nữa nhưng ít thôi và tập trung chủ yếu ở phố chợ. Ông Tiếp bảo: “Sở dĩ tôi hỏi anh là vì tôi hay vào Đắk Lắk thăm chơi, thường một hai năm đi một lần”.

Hóa ra xã Phong Nậm biên viễn này lại có mối liên hệ bền chặt với vùng đất xa xôi của Tây Nguyên. Ông Tiếp kể: Hồi sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, cả Cao Bằng bị phá tan hoang, từ thành phố đến nông thôn. Bấy giờ, xã Phong Nậm cũng bị hủy hoại nhiều công trình thủy lợi, nhà cửa, gia súc, gia cầm bị giết hại. Đời sống người dân khó khăn lắm nên nhiều gia đình đã di cư vào Tây Nguyên, ở nhiều tỉnh, cả Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk… Riêng bà con trong dòng họ ông Tiếp thì chọn Đắk Lắk làm nơi định cư, đông nhất là huyện Ea Kar và huyện Krông Năng.

Ông Nông Văn Tiếp (bên trái) và tác giả bài viết.

Qua lời trò chuyện tôi nghe ra niềm tự hào của ông Nông Văn Tiếp. Rằng thì người Tày chịu khó lam làm, vào Tây Nguyên đất đai trù phú, tươi tốt nên cuộc sống dần khá giả hơn. Ông vào nhiều lần và tận mắt nhìn thấy nhiều gia đình đã xây nhà cửa khang trang, có của ăn của để. Và điều vui nhất là bà con người Tày vào đó không bị mất gốc, vẫn duy trì đàn tính và điệu hát then mà theo lời ông Tiếp “vào tận đó mấy chục năm mà vẫn không khác ngoài này”.

Ông Tiếp kể: “Chỗ bà con tôi thành lập các nhóm hát then, có người về quê học chế tác đàn tính rồi đem nghề vào, nên khi tôi vào thăm thấy chẳng khác gì ở quê. Các cháu trẻ cũng biết đàn, biết hát, rất vui. Có lần tôi vào dịp Tết cổ truyền, thấy chính quyền và người dân tổ chức phiên chợ y hệt phiên chợ vùng cao ở miền Đông Bắc, Tây Bắc. Nghĩa là váy áo sặc sỡ, đi chợ chỉ là cớ để thăm gặp nhau. Ẩm thực thì cũng phở chua, bánh cuốn chan nước, thịt nướng, ngồi giữa chợ mà không nghĩ đó là Tây Nguyên”.

Ông Tiếp cũng kể thêm, bây giờ tàu xe quá thuận tiện, người Tày ở Tây Nguyên cũng năng đi về thăm quê. Có đám giỗ, đám cưới nào quan trọng là có bà con trong đó ra thăm. Nghĩa là hai quê nhưng một cảnh, một lòng, một thâm tình.

Chỉ một buổi đường ở xã Phong Nậm, hai ngày trời ở thị trấn huyện lỵ và ba hôm rong ruổi trên những ngả đường Trùng Khánh, vậy mà tôi cứ ngỡ như mình đã ở lâu lắm. Không hiểu sao, cái vùng đất nhỏ miền cao này lại in sâu vào tâm trí. Vì non nước hữu tình của những thác Bản Giốc, cửa khẩu Pò Peo, của câu chuyện ân tình giữa hai vùng đất Đông Bắc và Tây Nguyên hay bởi vị hạt dẻ mà tôi lỡ hẹn giữa mùa cây ra hoa…

Có thể là tất cả, để khi xa rồi lòng cứ ngậm ngùi. Mong một lần quay lại hoặc có ai lên Trùng Khánh cho tôi gởi theo một niềm thương nhớ...

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.