Multimedia Đọc Báo in

Nuôi dưỡng nguồn tài nguyên du lịch

08:18, 29/12/2024

Tài nguyên du lịch của Đắk Lắk vô cùng lớn cả về thiên nhiên lẫn lịch sử, văn hóa. Khai thác và bồi đắp một cách thường xuyên, hợp lý sẽ đưa du lịch phát triển bền vững, đồng thời mang lại hiệu quả về công tác bảo tồn văn hóa cũng như nuôi dưỡng được tài nguyên thiên nhiên.

Khai thác và khám phá

Đắk Lắk là địa phương hội tụ cộng cư của đông đảo các dân tộc thiểu số (DTTS) như Êđê, M’nông, J'rai, Hoa, Mường, Tày, Thái…

Trong quá trình cư trú, sinh hoạt và sản xuất, đồng bào DTTS nơi đây đã kiến tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc được thể hiện trong đời sống, tín ngưỡng, các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian, qua ẩm thực, âm nhạc, lễ hội, trò chơi dân gian đậm đà bản sắc.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên với địa hình nhiều thác, hồ, suối, rừng; nông nghiệp phong phú… Đây là những tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn…

Du khách thưởng thức trà hoa cà phê - một sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công.

Đến nay, tỉnh đã có 7 buôn du lịch cộng đồng, mỗi buôn đều mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, từ những ngôi nhà dài "dài như tiếng chiêng ngân", hay những bộ cồng chiêng, nhạc cụ dân gian và các nghề truyền thống đều được người dân chung tay gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Nguồn tài nguyên quý báu đó đang được khai thác hiệu quả trong trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống người dân nơi đây.

Đặc điểm tự nhiên với diện tích đất đất bazan màu mỡ rộng lớn, phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tận dụng nhằm phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, nhất là đối với cây cà phê và sầu riêng.

Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm văn hóa tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công thì công ty chưa hẳn đã làm du lịch nhưng là đơn vị canh tác cà phê hữu cơ nên thường xuyên được nhiều công ty du lịch chọn là điểm đến cho du khách gần xa. Du khách trẻ thích nhất là mùa hoa cà phê vào tháng 3 vì sẽ được thỏa sức tạo hình với bạt ngàn sắc trắng tinh khôi tỏa hương ngào ngạt. Du khách đam mê hương vị cà phê thì sẽ chọn tham quan tháng 10 - 12, để chứng kiến sự rộn ràng của mùa thu hoạch, không khí lao động đầy hứng khởi của người dân và công nhân. Nắm bắt điều đó, công ty đang cố gắng hoàn thiện các thủ tục xây dựng một tour chuyên biệt về cà phê, để khách có thể trải nghiệm hệ sinh thái cà phê từ lúc bắt đầu sinh trưởng tới khi trở thành một thức uống hấp dẫn; hoặc hoạt động trải nghiệm cà phê theo mùa trong từng giai đoạn như tự tay chăm bón cây cà phê, check-in tại vùng cà phê. Đây sẽ là một sản phẩm du lịch hứa hẹn nhiều sự thú vị.

Có thể thấy, với tiềm năng du lịch dồi dào và phong phú, khi khai thác một cách hợp lý sẽ tạo được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn ra đời, thu hút du khách gần xa đến khám phá và trải nghiệm.

Bồi đắp để phát triển

Việc khai thác tài nguyên du lịch luôn song hành với việc bồi đắp để không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, hệ sinh thái khu vực cũng như truyền thống và lối sống của mỗi cộng đồng dân tộc.

Chị Vũ Thị Thúy An (du khách TP. Hồ Chí Minh) từng than thở rằng: “Tôi đi du lịch ở nhiều tỉnh, rất thích trang phục truyền thống của các dân tộc bởi được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ thể hiện sự độc đáo riêng. Nhưng ở một số nơi lại được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc, không tạo được ấn tượng với du khách nữa”. Thực tế đó đặt ra những yêu cầu về việc làm mới sản phẩm du lịch trên cơ sở tôn trọng nguyên bản, như tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo; nâng cao giá trị của nền tảng tài nguyên, liên kết phát triển du lịch, thực hiện các chính sách hỗ trợ…

Âm nhạc truyền thống dân tộc Êđê được trình diễn trên sân khấu.

Đơn cử như buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vừa được chính thức công nhận là buôn du lịch cộng đồng vào tháng 10/2024. Đây là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Êđê, còn lưu giữ nhiều tập quán sinh hoạt truyền thống, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng như: bến nước, rẫy vườn, nhà dài truyền thống, nghệ thuật dân gian, trang phục truyền thống, các nghề thủ công, chế tác nhạc cụ, văn hóa cồng chiêng…

Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú) cho biết, trước đây bà con trong buôn cũng đã tận dụng những lợi thế của mình để  làm du lịch nhưng dưới dạng tự phát, “thấy gì làm đó”. Từ khi được sự hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 thì hoạt động du lịch được đầu tư bài bản hơn, như được hỗ trợ tham quan các mô hình điểm, tập huấn về các hoạt động liên quan đến du lịch; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa như nhạc cụ biểu diễn, mua sắm máy tính và lập trang thông tin điện tử du lịch… Nhờ đó hoạt động du lịch cộng đồng có sự chuyển động tích cực, đưa buôn Tơng Jú trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách gần xa.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc