Multimedia Đọc Báo in

Suối Khiết trong tim tôi

09:43, 19/01/2025

Suối Khiết bắt nguồn từ huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào rồi chảy qua bản Cháo, bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam.

Trên hành trình của mình, suối Khiết đã gắn bó với những bản làng người Thái, góp nhặt những dòng khe trong đục để lớn lên, nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu người Thái trên đất Hiền Kiệt, Hiền Trung, Thiên Phủ bằng những lớp phù sa tươi thắm ruộng đồng trước khi hòa mình vào sông Tuông, sông Mã và ra biển.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, suối Khiết là hình ảnh quê hương thanh bình, yên ả, gắn bó với người dân mỗi sáng đi làm nương và là nơi tắm mát mỗi khi chiều về. Tuổi thơ của tôi là những ngày chăn vịt, chăn bò, hái rau, hái quả, câu cá, rong chơi bên dòng suối Khiết. Ngày ấy, suối Khiết dềnh rộng mênh mang bởi được góp nước từ những con suối nhỏ khác như suối Khuênh, suối Kang, suối Choong... Trên dòng suối này, những người đàn ông Thái thường đóng bè cây luồng để xuôi về sông Mã ở thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa buôn bán; những phụ nữ Thái mang vợt xúc cá, xúc tôm làm thức ăn cho cả gia đình; là nơi gái trai hò hẹn kết thành đôi lứa.

Vũng nước Văng Xóng Hóng ở suối Khiết.

Mỗi năm, suối Khiết có những mùa trong, mùa đục, có nông, có sâu như chính cuộc đời con người vậy. Dân bản tôi tin rằng nơi vũng nước sâu của suối Khiết như Văng Lóng, Văng Mực, Xóng Hóng, Búng Bên là thủy cung của Long Vương. Thuở nhỏ chăn vịt những nơi ấy, tôi vẫn thường thấy cảnh những cái xoáy hút nước kéo con vịt và cả những khúc gỗ nào trôi vào gần đấy rồi mất tích. Bà tôi thường dặn tôi không được bơi ra giữa dòng nước sâu, nếu không sẽ bị Long Vương bắt xuống thủy phủ, không trở về được nữa. Người ta truyền nhau rằng, long cung ở Văng Lóng có hang rồng thông với động suối ngầm ở núi Pha Long, một ngọn núi sừng sững trên bờ cách đó chừng một cây số, nơi con suối Kang từ bản Lớt, bản Dồi chảy qua bản Bó, Na Xao rồi hòa mình vào suối Khiết.

Núi Pha Long là ngọn núi linh thiêng gắn liền với huyền thoại về người cổ đại. Thuở nhỏ, tôi hay ngồi trên sàn mái hiên ngắm nhìn những hình vẽ của người xưa trên vách núi Pha Long. Đó là hình ảnh thiếu nữ phơi thổ cẩm, cảnh những người đàn bà giã gạo dưới trăng, người mẹ bồng con bên bếp lửa, những thiếu nữ xinh đẹp đang uốn cong thân mình theo vũ điệu sơn cước, những chàng trai thân hình vạm vỡ đang giương cung săn bắn... 

 

Đến mùa thu và mùa đông, nước suối Khiết lại trong xanh phẳng lặng; trên không trung, những đám mây lãng đãng soi mình xuống đáy và những chiếc lá vàng lìa cành nghiêng mình trước gió như nói lời tạm biệt núi đồi rồi buông lơi xuống dòng nước xanh biếc đang lững lờ trôi. Cảnh tượng đẹp đến nao lòng.

Khi được tiếp thêm lượng nước từ suối Kang, dòng suối Khiết vào những ngày tháng bảy, tháng tám trở nên mạnh mẽ. Những chiếc bè luồng như mũi tên tre lao vun vút giữa hai bên bờ rừng cây, núi đá. Nhiều người đã bị nước lũ cuốn đi. Có những năm dòng nước dâng lên tận cánh đồng bản Na Chiêng khiến cho ruộng lúa của dân bản ngập chìm. Sau mùa nước lũ, suối Khiết lại bù đắp phù sa cho cánh đồng như một sự đền bồi cho những phút giây cuồng nộ bất thường mà mình đã gây ra thiệt hại cho con người. Đến mùa thu và mùa đông, nước suối Khiết lại trong xanh phẳng lặng; trên không trung, những đám mây lãng đãng soi mình xuống đáy và những chiếc lá vàng lìa cành nghiêng mình trước gió như nói lời tạm biệt núi đồi rồi buông lơi xuống dòng nước xanh biếc đang lững lờ trôi. Cảnh tượng đẹp đến nao lòng.

Suối Khiết đã dâng hiến bao nhiêu rau quả, cá tôm để nuôi sống bao nhiêu thế hệ người Thái ở dọc đôi bờ. Dòng suối là nơi sinh sống của các loài cá ngon như Pa Tệt, Pa Pòm, Pa Khính, Pa Pon... Còn nhớ thuở ấy, cứ mỗi lần từ trên nương rẫy lội ngang qua dòng suối để về nhà, cha tôi chỉ cần quăng mấy đường chài mà đã được một giỏ cá ăm ắp đem về cho mẹ tôi nấu bữa tối ngon lành. Có những khi cha vắng nhà cả tháng, thương bà nội già yếu, mẹ bảo tôi đem đó đi đặt ở lạch suối, sớm mai khi gà vừa cất tiếng gáy canh năm thì nhấc đó lên, đem tôm cá thu được về làm món canh tẩm bổ cho bà. Bà nội cầm bát canh mà nước mắt rưng rưng: “Cháu tôi thảo quá!”.

Guồng nước bên bờ suối Khiết.

Ngày xuân, suối Khiết đẹp như một nàng tiên nữ khoác lên mình chiếc áo hoa rực rỡ sắc màu. Cây ở hai bờ trổ hoa khoe sắc. Hoa sẽ kết trái để lũ trẻ chúng tôi hái quả, vin cành, tận hưởng thức quà ngọt lành từ dòng suối mẹ quê hương. Cũng trên dòng suối ấy, vào một ngày cuối đông, cha tôi đem bán hết đàn bò cho lái buôn để chuẩn bị đưa cả gia đình vào Tây Nguyên sinh sống. Những người lái buôn tóm lấy dây thừng lôi kéo song cũng không bắt được đàn bò bước lên bè để về xuôi bán vào lò mổ. Và chính tôi phải nắm dây thừng dắt chúng đi lên. Khi bò đã được đưa vào cùm khóa lại, tôi nhảy từ bè xuống để bơi vào bờ. Trong giây phút biệt ly, ngoái đầu nhìn lại chỉ thấy những đôi mắt bò ầng ậng nước, tôi bỗng òa khóc giữa tiếng  kêu "ò...ọ..."  vọng vang. Tiếng bò kêu ai oán như dội vào trái tim bé nhỏ của tôi một nỗi niềm day dứt...

Thời gian thấm thoát thoi đưa, dòng suối Khiết ngày nào giờ đã vơi cạn đi nhiều, cũng chẳng có ai xuôi bè trên con suối ấy được nữa. Hàng cây hai bên bờ đã bị người ta chặt bỏ để làm nhà cửa, quán xá cho người dưới xuôi lên lập nghiệp. Sau nhiều năm xa cách, tôi trở về quê hương mà không nhận ra nền cũ nhà mình bây giờ ở đâu, cho đến khi đứng giữa nơi hợp lưu của suối Kang và suối Khiết, cúi xuống vốc dòng nước mát lành rửa mặt, chợt thấp thoáng dưới đáy nước hiện lên hình ảnh người thiếu nữ tay nâng tấm vải thổ cẩm in hình trên vách núi Pha Long, tôi mới nhận ra mình đã đi quá đường về...

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc


(Video) Giữ cho mùa Xuân yên vui
Thời điểm này, lực lượng Cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đang tập trung lực lượng, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, giữ vững bình yên trên những cung đường cho người dân vui Xuân, đón Tết.