Multimedia Đọc Báo in

Bến En - Non nước xứ Thanh

20:46, 05/04/2011
Vườn Quốc gia Bến En, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ đầu năm 1992, có diện tích tự nhiên 16.643 ha, trong đó có 8.544 ha rừng nguyên sinh và tái sinh. Nơi đây không những là khu bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm phục vụ cho nghiên cứu khoa học mà còn là một nơi tham quan, du lịch, nghỉ mát rất lý tưởng.
 
Được bao bọc giữa vùng đồi núi của hai huyện Như Xuân và Như Thanh, Bến En chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng nhiệt độ trung bình ở đây chỉ ở mức 23 độ C. Vườn có hệ thực vật gồm 462 loài, 125 bộ.
 
Bên cạnh các loài quý hiếm như lim xanh, chò chỉ, sau sau, trai lý, vù hương... còn có các loại cây đặc sản có giá trị cao làm nguyên liệu cho sản xuất đồ mỹ nghệ, lấy dầu và trên 300 loài cây dược liệu. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú và có nhiều loài động vật quý hiếm như: voi, sóc đá, gấu ngựa, hổ, báo, vượn...
 
Vườn Quốc gia Bến En có hồ sông Mực rộng 4.000 ha, sâu hàng chục mét, là thủy vực của bốn con suối lớn trong vùng. Hồ sông Mực chia ra làm hai hồ: hồ Thượng rộng hơn 3.000 ha và hồ Hạ rộng chừng 800 ha. Chuyện kể rằng, thuở trời đất còn hỗn mang, có một con mực khổng lồ là con của Long Vương ham cảnh đẹp nơi đây, mải chơi đến nỗi quên lối về. Đến khi nước rút, mực bị mắc cạn nên cố vùng vẫy và chết tạo thành hồ Bến En, tua mực là các con suối.
 
Ẩn hiện giữa sông nước là 24 hòn đảo với những huyền tích cảm động. Ấn tượng và cảm động nhất đó là câu chuyện về một đôi trai gái người Thái, họ yêu nhau và nguyện thề bên nhau suốt đời, nhưng vì lễ giáo nên dòng họ đã ngăn cản đôi trẻ. Quá đau khổ, họ than khóc thảm thiết rồi trầm mình biến thành hòn đảo. Trọng mối tình chung thủy, người dân nơi đây đã đặt cho hòn đảo này là đảo Tình Yêu.
 
Trên các đảo có rừng cây và một số giống chim, thú do con người nuôi dưỡng. Ở một số đảo, du khách tham quan còn có thể dựng lều bạt để nghỉ qua đêm và giải trí bằng cách thả cần buông câu, thư giãn tinh thần, làm bếp tại chỗ. Còn nếu dùng thuyền máy du ngoạn trên mặt hồ vào dịp trăng thanh gió mát thì còn gì thích thú bằng.
 
Ngoài khu vực hồ, đảo và rừng, Bến En còn có những dãy núi đá vôi thuộc các xã Hải Vân, Xuân Khang, Xuân Thái với nhiều hang động còn giữ được vẻ tự nhiên như hang Ngọc, hang Dơi, hang Xuân Thái... với những nhũ thạch hình thù kỳ lạ, màu sắc huyền ảo. Hang Ngọc còn vẹn nguyên lò cao kháng chiến Hải Vân (thuộc xã Hải Vân) mà tên tuổi của nó gắn liền với tên tuổi của anh hùng Trần Đại Nghĩa. Hang Xuân Thái mới được phát hiện, dài hơn 1km và có nhiều hình thù đẹp.
 
Chung quanh khu vực Bến En còn có một số đền miếu như đền Phù Na ở xã Xuân Du, đền Khe Rồng ở xã Hải Long, đền Phù Sung ở xã Hải Vân. Đền Khe Rồng thờ một vị tướng của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh đầu thế kỷ XV có tên gọi là Đức Ông. Đền Phù Sung thì thờ Liễu Hạnh thánh mẫu.
 
Đến tham quan Bến En, du khách còn được thưởng thức món “canh đắng”, là đặc sản miền núi xứ Thanh. Canh được nấu bằng lá của một loại cây rừng rất đắng với thịt gà, thịt bò hay tim, gan heo... một thứ canh vừa đắng, vừa béo, vừa cay lại có vị chua ngọt... Người miền núi cho rằng, món “canh đắng” này rất bổ và mát. Ở Bến En còn có loại cá mè đặc biệt chỉ thấy ở sông Mực, rất lớn con, nặng đến chục ký thịt cá trắng, thơm ngon, cho nhiều mỡ.
 
Về Bến En, du khách còn được đến các bản làng người Mông, người Mường và người Tày. Phải ở Bến En qua đêm, du khách mới thấy đất nước mình mỗi góc biển cánh rừng đều giàu chất văn hoá, giàu lòng yêu thương và cuộc sống rất hồn hậu.
G.T (giới thiệu)

Ý kiến bạn đọc