Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc du lịch văn hóa dịp đầu Xuân

07:25, 10/02/2025

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịp Tết vừa qua tỉnh đón khoảng 177.000 lượt du khách trong nước, tăng 23,71% so cùng kỳ và 3.000 lượt khách quốc tế, tăng 55,84% so cùng kỳ. Đây là những con số tăng trưởng rất ấn tượng so với một thực tế hoạt động ngành chững lại sau giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh.

Đa dạng hoạt động vui Xuân, đón Tết

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận, nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch địa phương và hoạt động văn hóa xã hội ở các cấp cơ sở chính là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển này.

Nhìn vào lịch trình tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết diễn ra trên địa bàn tỉnh, có thể thấy rõ không khí tươi vui tích cực, sôi nổi rộn ràng được khuấy động nhưng vẫn rất nghiêm túc, bảo đảm các tố chất văn hóa, nghi lễ. Ngành văn hóa tỉnh đã rất chu đáo đưa ra hoạch định chi tiết, quán xuyến trong lĩnh vực văn hóa và kích cầu du lịch, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia.

Du khách chụp ảnh lưu niệm với nhà sàn tại buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Ở cấp tỉnh, chương trình nghệ thuật chào năm mới “Một thoáng Ban Mê” đã được tổ chức, khởi động cho các chương trình tiếp theo về bắn pháo hoa, lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, hoạt động thăm hỏi, tặng quà các nghệ nhân, nghệ sĩ trên địa bàn…

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc động viên, trao đổi với các nghệ nhân các dân tộc, gặp mặt giới văn nghệ sĩ, báo giới đầu Xuân mang ý nghĩa thiết thực, biểu hiện sự quan tâm, định hướng đến những giá trị “nhân chứng sống” trong hoạt động văn hóa địa phương.

Ở cấp huyện, ngành văn hóa, du lịch vận động các địa phương, cơ sở tổ chức hoạt động, chương trình văn hóa văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, nổi bật như M’Drắk, Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Pắc, Buôn Hồ, Krông Ana… Qua đó đã khuấy động tinh thần vui Xuân phấn khởi, xúc tiến hoạt động thể thao, lễ hội sôi nổi ở các địa bàn, như giải cầu lông, bóng bàn ở Buôn Ma Thuột; thi đấu bóng đá, bóng chuyền ở M’Drắk, Krông Ana, Ea Súp…

Riêng những lễ hội kết hợp hoạt động văn hóa thể thao cơ sở, như giải đua thuyền huyện Krông Ana, lễ tạ ơn Quốc Mẫu tại Khu du lịch Buôn Kô Tam, lễ Tế xuân tại Di tích lịch sử Đình Lạc Giao; lễ hạ nêu Đình làng Phú Đức ở thị trấn Buôn Trấp, lễ khai hạ Tết Mường ở xã Ea Kao và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar… với những dấu ấn đặc sắc đã thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách.

Với lĩnh vực du lịch, theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, dịp Tết Nguyên đán này cũng là thời điểm ngành văn hóa, du lịch đặt rõ các yêu cầu chấn chỉnh hoạt động ở các cấp địa phương và tổ chức, điểm đến doanh nghiệp. Trước Tết, ngành đã tổ chức đoàn kiểm tra các khu, điểm du lịch về các công tác chuẩn bị sự kiện, bảo đảm phục vụ du khách an ninh an toàn, tránh bị những sự cố bất ổn, tình trạng giá cả, bán vé, giữ xe…

Đặc biệt, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được chú ý, không để xảy ra vụ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng trên địa bàn. Công tác cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực dịch vụ du lịch, điểm vui chơi giải trí, tham quan có sông, hồ, thác nước… đều được rà soát, tổ chức chu đáo.

Ngành du lịch còn chủ động xây dựng, cấp phát 11.000 tờ gấp tuyên truyền “Bộ Quy tắc ứng xử người Đắk Lắk văn minh, thân thiện, mến khách” đến tận các phường, xã, phối hợp các hoạt động truyền thông, cổ động trực quan để định vị rõ những tiêu chuẩn phát triển du lịch mới với sản phẩm tốt hơn, chất lượng cao hơn trong mắt người dân và du khách gần xa.

Hướng đến những tiêu chuẩn mới

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn nhận kết quả hoạt động dịp Tết Ất Tỵ, có thể thấy ba điểm sáng quan trọng về mặt định hướng, biểu hiện sự khởi sắc ngành văn hóa du lịch Đắk Lắk ngay dịp đầu Xuân.

Thứ nhất, lượng khách nội địa năm nay tăng mạnh hơn mọi năm và trải đều khắp các điểm đến, cơ sở giải trí, văn hóa trên địa bàn. Riêng Bảo tàng Đắk Lắk đã đón được 124 đoàn du khách với hơn 1.785 lượt khách, cho thấy sự quan tâm đến văn hóa địa phương đã lan tỏa trong nhiều nhóm du khách nội địa khi đến với Đắk Lắk.

Người dân và du khách thích thú xem trình diễn pháo hoa tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột) trong đêm giao thừa Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: Vân Anh

Thứ hai, hoạt động văn hóa, du lịch địa phương đã đề cao, hướng đến tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, quán triệt tinh thần, thái độ đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ của cán bộ, nhân viên trong các tổ chức, doanh nghiệp; nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, tài xế du lịch, là những người trực tiếp phục vụ, cần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Chính những biểu hiện tuân thủ đúng quy định đăng ký, niêm yết giá vé tham quan, giá vé giữ xe các loại và giá cả các dịch vụ để du khách chủ động lựa chọn, đã mang lại ấn tượng rất tốt cho lĩnh vực du lịch Đắk Lắk.

Cuối cùng, việc tập trung giám sát các hoạt động về lễ hội, giải thể thao quần chúng nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan; bố trí các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã mang lại một diện mạo tổ chức nghiêm túc, có kế hoạch, tạo kinh nghiệm bền vững cho các hoạt động khai thác văn hóa du lịch về sau.

Những điểm sáng này cho thấy ngành du lịch Đắk Lắk đang thực sự thay đổi, gắn kết cùng các hoạt động văn hóa làm tôn vinh các giá trị truyền thống, thích ứng nhu cầu đương đại, từ đó sẽ củng cố nền tảng vận động thay đổi và phát triển tốt hơn. Năm Ất Tỵ 2025 vì thế đã thực sự khởi động những tín hiệu lạc quan của văn hóa du lịch Đắk Lắk.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khơi dậy và lan tỏa tinh thần 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột
Sáng 10/2, Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2025)”.