Danh thắng độc lạ bên bờ sóng...
Những ngày học xa, tôi hay khoe chúng bạn “quê tui có gành Đá Dĩa”. Đó là danh thắng nằm ven biển xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên cũ), nay là xã Tuy An Đông, tỉnh Đắk Lắk hiện đang thu hút đông đảo khách du lịch.
Trong quyết định của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia (năm 1997) và Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (năm 2020), danh thắng thiên nhiên này được gọi là ghềnh Đá Đĩa. Tuy nhiên, dân địa phương từ xưa đến nay vẫn gọi là gành Đá Dĩa.
Khu vực chính của danh thắng gành Đá Dĩa có diện tích khoảng 2.700 m², các cột đá bazan tại đây tạo thành hai mũi nhô ra biển. Mũi nhô thứ nhất nằm về phía Bắc, nổi bật với các cột đá nghiêng, uốn cong. Mũi thứ hai nằm về phía Nam với các cột đá hầu hết thẳng đứng và tạo thành các bậc từ thấp đến cao.
![]() |
Du khách khám phá gành Đá Dĩa. |
Theo Bảo tàng Phú Yên, bazan tại khu vực này hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa trong vùng cách đây hàng triệu năm. Các dòng dung nham khi nguội dần thì đông cứng lại và nứt vỡ thành các cột đá hình lăng trụ tương đối đồng đều. Những cột đá nằm kề biển sau đó lại chịu tác động của sóng đánh vào nên tiếp tục nứt theo chiều ngang, như những chiếc dĩa chồng lên nhau. Nhìn từ xa, gành Đá Dĩa tựa như một tổ ong khổng lồ bên bờ Biển Đông. Tại một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hiện có vài điểm xuất lộ bazan dạng cột nhưng không mang vẻ đẹp độc đáo như khu vực gành Đá Dĩa.
Bày ra trước mắt khách du là lớp lớp các cột đá đen trầm mặc trong sóng trắng biển xanh an lành. Xen giữa các khối đá hình lục lăng xếp thành tam cấp là các hõm xanh mướt rong tảo cùng nhiều loài cá lạ mắt muôn màu. Nhiều người cho biết, khi chụp ảnh bên những cột đá đen này thì thấy mình như… nổi bật lên! Còn các tay máy chuyên nghiệp thì rất thú vị với sự chuyển màu kỳ lạ của các chồng đá nơi đây tùy theo sắc nắng trong ngày.
Theo truyền thuyết trong vùng, các khối đá này vốn là một kho của cải vàng bạc, châu báu. Vào một đêm, có kẻ xấu châm lửa đốt cửa kho với ý định cướp số của cải này, tuy nhiên giữa chừng một cơn lốc xoáy cuốn chúng đi và phát ra tiếng nổ kinh hoàng. Sáng hôm sau, người dân phát hiện tất cả của cải đã hóa thành các khối đá. Lại có truyền thuyết kể rằng, nơi đây có cảnh quan thơ mộng nên các vị thần tiên giáng trần, đem theo chén vàng, dĩa ngọc xuống để mở yến tiệc. Rồi do mải mê vui chơi, họ bỏ quên các chồng bát dĩa, lâu ngày hóa thành những dĩa đá chồng khít lên nhau….
![]() |
Thuyền thúng của ngư dân bên gành Đá Dĩa. |
Kề phía Nam danh thắng hiện có lăng Đá Dĩa thờ cúng thần Nam Hải (tức Cá Ông) của ngư dân trong vùng, được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19 dưới thời vua Tự Đức. Tiếp đó là những bãi tắm phẳng phiu cát vàng mịn óng. Nhìn ra là nhấp nhô bến đậu tàu thuyền của ngư dân quanh vùng.
Gành Đá Dĩa cách đô thị Tuy Hòa khoảng 40 km về phía Bắc. Du khách có thể đi theo Quốc lộ 1 đến xã Tuy An Bắc rồi rẽ trái ngang qua nhà thờ cổ Mằng Lăng, sau đó đi thẳng xuống gành. Hoặc có thể đến gành theo cung đường ven biển êm đềm trong khung cảnh làng mạc, ruộng đồng bình yên, trù phú.
Đào Đức Tuấn
Ý kiến bạn đọc