Multimedia Đọc Báo in

Sa Lôn - dấu xưa bất khuất

09:10, 06/07/2025

Sa Lôn từng là căn cứ của Tỉnh ủy Bình Thuận đặt tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), nay thuộc xã Đông Giang, tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này thuộc vùng rừng núi, rộng gần 11 ha, có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho việc giữ bí mật và đảm bảo an toàn trong thời kỳ chiến tranh.

Sa Lôn được gọi theo phiên âm chữ Quốc ngữ, còn người Pháp phiên âm sang chữ Latinh là Saloun. Về ý nghĩa tên gọi, các già làng K’Ho ở xã Đông Giang giải thích: Sa Lôn nghĩa là “dòng nước Mẹ”, “dòng suối uốn lượn như rồng”.

Căn cứ Sa Lôn nằm nép mình trong những dãy núi chập chùng tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Những con đường mòn đất đỏ uốn quanh sườn đồi, len lỏi qua rừng cây rậm rạp. Con suối Sa Lôn chảy róc rách, len qua những ghềnh đá gan gà xám mốc, nước suối trong vắt như gương. Không khí nơi đây trong lành và bình yên đến lạ. Gió mang theo hương thơm của cỏ cây, của rừng già và một chút hoài niệm rất riêng. Dưới chân đồi, những tàn tích còn sót lại của lán trại, hầm trú ẩn, bếp Hoàng Cầm phủ đầy rêu phong như những chứng nhân lặng lẽ, kể lại câu chuyện của một thời oanh liệt, hào hùng của những người “Giữ rừng xanh đánh giặc”.

Lối vào khu di tích ngày nay.

Đứng giữa đất trời đại ngàn Nam Trường Sơn, nơi căn cứ Sa Lôn ngày nay, ít ai hình dung được cách đây trên nửa thế kỷ, nơi đây đã từng hứng chịu những trận bom rải thảm kinh hoàng của các “pháo đài bay” B-52 không lực Hoa Kỳ. Tiếng bom nổ rền, âm vang đến tận Phan Thiết ngày ấy còn nghe được! Nhưng Sa Lôn vẫn đứng vững và kiên cường chiến đấu đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn 1954 – 1975, Tỉnh ủy Bình Thuận cũ đã ba lần đặt căn cứ tại Sa Lôn: từ tháng 12/1954 đến tháng 6/1957, từ giữa năm 1961 đến tháng 12/1964, và từ tháng 9/1968 đến tháng 8/1970. Tại đây, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra như: Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (10/1962), Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lần thứ I và II (1962, 1964), Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh lần thứ I (9/1964), và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (7/1970).

Ngoài những sự kiện diễn ra tại Sa Lôn, đây còn là nơi nhiều đơn vị, cơ quan, ban được thành lập, đứng chân và hoạt động như: Xưởng quân giới Cao Thắng, Trường Đảng Trần Phú, Ban An ninh, Ban Kinh tài và Ban Hậu cần, Ban Quân y, Ban Tuyên huấn, Ban Quân sự, Trạm F5 (cơ quan phát hành báo chí)…

Ngày nay, khu căn cứ Sa Lôn đã được phục dựng và được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Khu di tích bao gồm các hạng mục như hầm trú ẩn, hội trường, bếp Hoàng Cầm, nhà tưởng niệm nhằm bảo tồn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Khu Di tích lịch sử cách mạng đã được trùng tu, phục dựng lại khang trang nhưng vẫn giữ những dấu tích truyền thống. Trong nhà lưu niệm có rất nhiều hiện vật giá trị như: súng tự chế, mìn, máy in thủ công, vật dụng của bộ đội, dân quân, dụng cụ sản xuất… Và rất nhiều hình ảnh ghi lại hoạt động chiến đấu, sản xuất  của quân dân ta và đồng bào dân tộc K’Ho vùng núi Đông Giang.

Dấu ấn bếp Hoàng Cầm.

Trong chuyến về nguồn hôm ấy, chúng tôi có dịp gặp lại những cựu chiến binh – những người từng sống, chiến đấu và gắn bó với căn cứ Sa Lôn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ giờ đã già, tóc bạc nhưng giọng nói vẫn rắn rỏi, ánh mắt vẫn rực sáng khi kể về những ngày tháng không thể nào quên. “Ngày đó, rừng rậm lắm, bom Mỹ rải như mưa. Có hôm vừa họp xong thì pháo bắn tới, anh em phải chia nhau chạy vào từng khe đá, từng hầm trú. Nhưng không ai sợ. Cái sống, cái chết lúc ấy chỉ cách nhau gang tấc nhưng niềm tin vào cách mạng, vào ngày mai đất nước hòa bình là động lực để chúng tôi vượt qua tất cả” – một cựu chiến binh kể lại.

Con đường trở về căn cứ nay không còn hiểm trở như trước, đường sá phong quang, rộng rãi. Cột cờ giữa rừng đã được dựng lại, cao vút giữa bầu trời xanh, bên dưới là tấm bia tưởng niệm khắc tên những người con đã ngã xuống… Chúng tôi đứng lặng giữa rừng Sa Lôn, để mặc gió rừng thổi qua, như tiếng gọi từ quá khứ vọng về. Cảm giác như đang được chạm vào từng nhịp đập của đất, của người, của những năm tháng không bao giờ trở lại nhưng mãi sống trong ký ức của dân tộc…

Hải Hồ


Ý kiến bạn đọc