Multimedia Đọc Báo in

Dạy và học thời ... COVID-19

07:28, 29/08/2021

Sau khi xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ tư, các giáo viên - học sinh, sinh viên nhiều trường học đã chuyển sang hình thức dạy học, ôn thi trực tuyến để vừa đảm bảo chương trình giáo dục năm học 2020 - 2021 theo đúng kế hoạch vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đang theo học lớp CE20A1A, Khoa Kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học Đông Á tại Đà Nẵng, khi địa phương bùng phát dịch, bạn Trương Vân Vũ (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) trở về nhà và bắt đầu học trực tuyến. Theo Vũ, việc học trực tuyến giúp sinh viên tiết kiệm thời gian di chuyển và đảm bảo yêu cầu 5K của Bộ Y tế trong thời điểm hiện tại.

Một buổi sinh hoạt trực tuyến của các thành viên CLB Tiếng Anh tỉnh.

“Đa số các môn học trực tuyến chúng em học thông qua ứng dụng Zoom Meeting, Google Meet. Nhà trường phân phối chương trình ở các môn một cách hợp lý và giảng viên cũng sắp xếp thời lượng dạy kiến thức phù hợp nên chúng em tiếp thu khá tốt. Các thầy, cô quản lý lớp bằng hình ảnh và thường xuyên kiểm tra học sinh về mức độ hiểu bài. Bạn nào chưa hiểu có thể hỏi tương tác ngay với giảng viên trong lớp học. Hiện tại, lớp em đã hoàn thành 10 môn học, còn 2 môn nữa là kết thúc học phần của học kỳ 2”, Vũ tâm sự.

“Bên cạnh việc giúp người dạy - người học chủ động về thời gian, áp dụng được nhiều phương pháp giảng dạy, vừa góp phần nâng cao khả năng sử dụng thông tin, vừa bồi dưỡng năng lực và thái độ học tập thì dạy học trực tuyến cũng khiến giáo viên gặp khó khăn khi mất nhiều thời gian quản lý lớp học, hơn nữa nhiều học sinh chưa có điều kiện sử dụng các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc học tập”.

Thầy giáo Lê Đức Anh (Trường THPT Lắk)

Thường gặp gỡ định kỳ 1 tuần/lần, nhưng do dịch COVID-19 nên các thành viên CLB Tiếng Anh tỉnh đã chuyển sang sinh hoạt trực tuyến 2 tuần/lần. 

Theo đó, các thành viên khi tham gia sinh hoạt vẫn sẽ trao đổi, thảo luận theo chủ đề, lắng nghe suy nghĩ, chia sẻ của những người khác và bày tỏ ý kiến của mình. Để tránh nhàm chán, Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB đã cùng xây dựng phương pháp học tập thú vị hơn như đầu tư các sản phẩm khi thuyết trình, tổ chức trò chơi, cuộc thi online.

Anh Võ Tiến Tuấn Niê, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Ban đầu khi mới sinh hoạt trực tuyến, nhiều bạn gặp khó khăn về sử dụng phần mềm, chưa biết khắc phục khi gặp sự cố về đường truyền. Tuy nhiên đến nay, các thành viên đã thành thạo các thao tác. Hiện tại, CLB vẫn duy trì từ 25 - 30 thành viên/buổi sinh hoạt”.

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Vì thế, thông qua Fanpage Đoàn – Hội khối trường học tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh đã thông tin, tuyên truyền để thí sinh nắm rõ yêu cầu, quy chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn thí sinh tham gia ôn thi trực tuyến từ cổng thông tin của chương trình. Đồng thời xây dựng các chuyên đề hỗ trợ thí sinh ôn tập tất cả kiến thức từ căn bản đến nâng cao và kết nối với giáo viên, tình nguyện viên hỗ trợ ôn tập 1 kèm 1 cho thí sinh nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, để hỗ trợ học sinh ôn tập kiến thức trước khi bắt đầu năm học mới, đơn vị cũng triển khai mở lớp Tiếng Anh tình nguyện trực tuyến dành cho học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn có mong muốn ôn tập tiếng Anh cơ bản. 

Bạn Trương Vân Vũ học trực tuyến tại nhà.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với kinh nghiệm từ đợt dịch trước, Trường Đại học Tây Nguyên cũng đã có thông báo tạm dừng tất cả hoạt động học tập và thi cử của sinh viên từ ngày 10-7. Riêng kế hoạch học hè chuyển sang hình thức online. Đối với lịch thi học kỳ 2 năm học 2020 - 2021 và thi học kỳ hè 2021 được triển khai từ ngày 14 đến 22-8 theo hình thức tự luận vấn đáp, tiểu luận… để bảo đảm tiến độ học tập, thực tập và tốt nghiệp cho sinh viên.

Nói chung việc dạy và học trực tuyến đã được các trường, giáo viên và học sinh chuẩn bị tâm thế chủ động và sẵn sàng. Hầu hết các trường đều sử dụng linh hoạt một số phần mềm hỗ trợ dạy, học trực tuyến tại nhà như: Vietel Study, Zoom Cloud Meetings, Google Meet, Microsoft Teams. Với các phần mềm này, mỗi học sinh sẽ được cung cấp địa chỉ đăng nhập, mật khẩu để tham gia học theo lớp qua thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng hoặc máy tính có kết nối Internet.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.