Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar chủ động chuẩn bị cho năm học mới

06:48, 23/08/2021

Vừa ưu tiên chống dịch, vừa sẵn sàng cho học sinh bước vào năm học 2021 - 2022 là nhiệm vụ mà ngành giáo dục huyện Cư M’gar đang triển khai thực hiện.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar, đến thời điểm này, các trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp, chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên, tập huấn chương trình… sẵn sàng đón học sinh vào học.

Ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng GĐ-ĐT huyện Cư M’gar thông tin, ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất thì năm nay các trường học còn chủ động xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể cho năm học mới gắn với phòng, chống dịch COVID-19. Theo thống kê, toàn huyện có 20 trường, điểm trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung của huyện và khu cách ly tạm thời của các xã, thị trấn.

Đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 các xã, thị trấn đã bàn giao lại cơ sở vật chất cho 6 trường. Phòng GĐ-ĐT chỉ đạo các trường phối hợp với Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, sắp xếp bàn ghế, trang thiết bị chuẩn bị cho ngày tựu trường. Đối với các trường không trưng dụng làm khu cách ly thì đã chủ động tổ chức vệ sinh, khử khuẩn phòng học, phòng chức năng sẵn sàng cho năm học mới.

Lực lượng chức năng thị trấn Ea Pốk và thầy cô giáo tham gia khử khuẩn, dọn vệ sinh tại Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm.

Xác định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt theo nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục nhưng đồng thời phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Để chủ động trước mọi tình huống, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn 100% giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến; bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến hoặc giao bài tập cho học sinh khi không thể tổ chức dạy học trực tiếp, với phương châm đặt sự an toàn của học sinh lên trên hết.

“Để chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh, nhất là học sinh khu vực khó khăn trên địa bàn, ngành giáo dục huyện sẽ nỗ lực rà soát, huy động sự đồng hành của giáo viên, học sinh và nhà trường, tìm các nguồn hỗ trợ, bảo đảm cho các em có đủ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới” - ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng GĐ-ĐT huyện Cư M’gar.

Năm học 2021 - 2022, các khối 1, 2 và 6 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, các trường học trên địa bàn đã thực hiện chọn sách giáo khoa theo văn bản chỉ đạo của cấp trên và chọn được một bộ sách/môn theo danh mục được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tiến hành thông báo rộng rãi tại nhà trường, trên website của trường, thông báo về địa phương… để phụ huynh được biết.

Nhằm tạo thuận lợi trong công tác này, Phòng GD- ĐT huyện cũng thông báo cụ thể các đại lý của Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Đắk Lắk trên địa bàn huyện để phụ huynh mua đúng sách, đồng thời chỉ đạo các trường in danh mục sách của trường gửi đến tận tay phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, việc chuẩn bị sách giáo khoa đối với học sinh khối 1, 2 và 6 trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn vì sách không được phát hành tại trường nên phụ huynh học sinh sẽ không được Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Đắk Lắk cho ứng trước sách giáo khoa như những năm học trước. Thêm vào đó, đây là sách xuất bản lần đầu nên không loại trừ trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ rất khó có đủ bộ sách ngay từ đầu năm học.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới tại Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm

Song song với đó, hiện các trường trên địa bàn huyện đang tranh thủ dịp hè để sửa chữa lại trường, lớp; đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, kịp đưa vào sử dụng đầu năm học. Hiện có 113 phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ, trị giá trên 6 tỷ đồng đang tiến hành sửa chữa, tu bổ; 27 phòng học được xây dựng mới (trị giá trên 9 tỷ đồng). Việc xây dựng, sửa chữa dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 5-9. Về trang thiết bị dạy học, các trường đã tổ chức mua sắm tương đối đủ trang thiết bị dạy học cho lớp 1. Riêng đối với lớp 2 và lớp 6, do chưa được bố trí vốn nên các trường tạm thời tận dụng thiết bị dạy học sẵn có để phục vụ việc học.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.