Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở đầu năm học mới

08:59, 21/08/2021

Một năm học mới lại bắt đầu, trái với sự háo hức, mong chờ được quay lại trường của học sinh sau kỳ nghỉ dài thì năm học này, phụ huynh lại có nhiều lo lắng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Năm nay dịch COVID-19 diễn biến khá căng thẳng, bởi thế vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe của con em được hầu hết phụ huynh quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) tỏ ra khá lo lắng. Chị cho hay, con gái của chị mới 4 tuổi, đang học mẫu giáo. Dù tỉnh đã ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022, thế nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chị chưa dám cho con tới trường.

“Trẻ con sức đề kháng còn yếu, nếu không may nhiễm bệnh sẽ rất khổ. Hơn nữa, lứa tuổi mầm non vốn hiếu động, ham chơi, các bé rất khó có thể tự ý thức bảo vệ bản thân, việc đeo khẩu trang suốt thời gian ở lớp là điều không thể. Bởi thế, mình chấp nhận hy sinh thời gian, tiền bạc và linh hoạt trong công việc để tiếp tục chăm nom, đảm bảo an toàn cho con.", chị Thảo chia sẻ.

Tiết ôn tập của học sinh Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar).

Chung nỗi lo, càng cận kề năm học mới, chị Đinh Thị Thanh Nga (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) lại ngày đêm thấp thỏm khi hai con của chị (một bé lớp 1, một bé lớp 4) chuẩn bị bước vào năm học mới trong tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến phức tạp. Sự an toàn của con vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi thế chị luôn dạy các con cách bảo vệ bản thân, từ việc rửa tay, đeo khẩu trang đến từ bỏ thói quen đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chị khá bị động trong việc chuẩn bị kế hoạch đến trường của con.

Chị Nga tâm sự: “Nếu trong trường hợp tình hình dịch trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, khả năng cao là các trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, với học sinh ở lứa tuổi tiểu học, việc học trực tuyến vẫn cần sự kèm cặp, giám sát của phụ huynh. Hơn nữa, hiệu quả cũng sẽ không cao bằng việc học sinh được học tại trường và tương tác trực tiếp với giáo viên”.

Giờ tan trường của học sinh xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar).

Bên cạnh những trăn trở đó, có lẽ gánh nặng về tiền bạc luôn khiến nhiều phụ huynh “đau đầu” mỗi khi bước vào mùa tựu trường. Tiền ở đây không chỉ là học phí mà còn là các khoản “phụ phí”, rồi tiền mua sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập, phương tiện đến trường…

Anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) lo lắng: Gia đình anh có hai con (học lớp 2 và lớp 6). Từ đầu năm, vợ chồng anh vào Bình Dương làm công nhân tại một khu công nghiệp, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mấy tháng nay phải trở về địa phương. Không có thu nhập, ai thuê gì vợ chồng anh nhận làm nấy, mong kiếm được chút tiền trang trải cuộc sống. “Ðối với những gia đình khá giả, việc chi vài triệu đồng mua đồ, nộp học phí cho con đi học không thành vấn đề, nhưng với những hộ kinh tế khó khăn, đây là nỗi lo không nhỏ. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn dè sẻn, thậm chí đi vay mượn để con mình được đến trường”, anh Hoàng bộc bạch.

Bước vào năm học mới, phụ huynh luôn mang nhiều tâm tư và muôn vàn cảm xúc khác nhau, mỗi người lại có những nỗi lo riêng chưa kể hết: từ việc nộp hồ sơ đối với học sinh đầu cấp học cho đến các khoản đóng góp đầu năm, sự an toàn giao thông khi con đến trường, việc đưa đón con đi học mỗi ngày, hay làm thế nào để rèn nền nếp cho con trước khi bước vào năm học… Dẫu vậy, tùy vào hoàn cảnh từng gia đình, mỗi phụ huynh đều cố gắng chăm lo chu đáo, hy sinh vì con với mong muốn con của mình phấn đấu học tốt, đạt nhiều thành tích cao trong năm học mới.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.