Multimedia Đọc Báo in

Triển khai dạy và học trực tuyến: Các trường học vùng sâu gặp khó

08:30, 15/09/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc dạy học trực tuyến đang được xem là giải pháp nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc triển khai dạy và học trực tuyến đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS)...

Trường Tiểu học Y Jút (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) bước vào năm học 2021 - 2022 có 714 học sinh, trong đó có tới 680 học sinh là người DTTS, 330 em thuộc hộ nghèo. Nhiều gia đình không có đủ điều kiện để cho con em mình tham gia học trực tuyến. Điển hình như gia đình chị Sao Kẹo Lào (buôn Ea Rông, xã Krông Na) có bốn con, trong đó con trai đầu học lớp 6, hai con gái sinh đôi sau học lớp 2, bé gái út mới 7 tháng tuổi. Chị Sao Kẹo Lào than vãn: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn, lấy đâu tiền mua máy tính, điện thoại thông minh và lắp đặt mạng Internet cho các con học. Tất cả chỉ biết trông cậy vào nhà trường và thầy cô giúp đỡ”.

Tại Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na) năm học này có 11 lớp, với 327 học sinh, trong đó 272 học sinh là người DTTS và khoảng 50% em thuộc hộ nghèo. Toàn trường chỉ có khoảng 15 đến 20% học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến. “Trước tình hình đó, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học dưới nhiều hình thức: học sinh nào có thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh thì học trực tuyến; học sinh nào mà gia đình chỉ có ti vi thì hướng dẫn cho các em học trên kênh VTV7 và các kênh truyền hình khác. Đối với những em mà gia đình không có thiết bị gì thì giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, in sao rồi chuyển cho học sinh và hướng dẫn các em học tập”, bà Phạm Thị Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ea Wer) đang làm quen với hình thức học online trên máy tính.

Huyện Buôn Đôn hiện có 12 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 8 trường THCS, với tổng số 15.080 học sinh. Trong đó, học sinh DTTS gần 8.000 em. Theo thống kê, toàn huyện chỉ có khoảng gần 42% học sinh THCS và 30% học sinh tiểu học có thể tham gia học trực tuyến. Ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, trước thực trạng vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn do thiếu trang thiết bị phục vụ học trực tuyến, Phòng đã chỉ đạo các trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch, lựa chọn những giải pháp phù hợp đáp ứng tốt nhất yêu cầu dạy và học để vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa đảm bảo chất lượng và hoàn thành chương trình học theo đúng tiến độ.

 

Phòng đã chỉ đạo các trường tham mưu chính quyền địa phương để được hỗ trợ thêm về nhân lực, vật lực cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn đầu năm học mới”.

 
Ông Huỳnh Viết Trung, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông

Năm học 2021 - 2022, huyện Krông Bông có 21.558 học sinh ở 3 cấp học (mẫu giáo, tiểu học, THCS), trong đó có đến 10.420 em là người DTTS, phần lớn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Qua khảo sát, trong số 10.994 học sinh cấp tiểu học thì chỉ có 2.200 em (chiếm tỷ lệ 20%) đủ điều kiện tham gia học trực tuyến; ở cấp THCS có 2.864/5.698 học sinh (chiếm 50,3%) đủ điều kiện. Phần lớn các em ở vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện nối mạng Internet, không có máy tính, hay ti vi thông minh. Ở nhiều trường tiểu học, tỷ lệ học sinh đủ điều kiện học trực tuyến rất thấp, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa. Điển hình như Trường Tiểu học Dang Kang 1 chỉ có 4/474 em đủ điều kiện, tỷ lệ 0,8%; Trường Tiểu học Yang Hăn: 12/1.014 em, tỷ lệ 1%; Trường Tiểu học Ea Bar: 6/345 em, tỷ lệ 1,7%; Trường THCS Hùng Vương: 84/312 em, tỷ lệ 27%...

Không thể tổ chức hình thức học trực tuyến nên phần lớn các trường trên địa bàn huyện Krông Bông chọn phương án giao bài cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng hình thức này ngay từ đầu năm học, đặc biệt là đối với những học sinh mới bước vào lớp 1 và lớp 6 khiến thầy cô lúng túng về phương pháp và nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng. Một khó khăn nữa mà nhiều trường ở vùng đồng bào DTTS lo lắng là phần lớn phụ huynh ít quan tâm đến việc học tập ở nhà của con em mình mà có tâm lý phó mặc việc dạy dỗ cho nhà trường. Dù áp dụng hình thức dạy học nào mà phụ huynh không quan tâm, hướng dẫn, quản lý các em thì sẽ không đem lại hiệu quả.

Tổ công tác của HĐND huyện Krông Bông khảo sát tình hình chuẩn bị năm học mới 2021 - 2022 của các trường trong xã Yang Mao. Ảnh: T.Lâm

Để tháo gỡ khó khăn, thời gian vừa qua, Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến; mở các đợt tập huấn trực tuyến để tập huấn, hướng dẫn các trường triển khai các phương án dạy học. HĐND huyện Krông Bông cũng đã thành lập đoàn khảo sát thực tế ở 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện để có cơ sở kiến nghị với các cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học… cho các trường.

Ông Huỳnh Viết Trung, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông cho biết: “Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức các hình thức dạy học một cách phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng trường. Những trường có điều kiện sẽ tổ chức dạy học trực tuyến. Những trường khó khăn không áp dụng được hình thức dạy học trực tuyến thì áp dụng hình thức giao bài, học nhóm theo địa bàn dân cư, học qua ti vi.

  Thanh Nga – Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.