Multimedia Đọc Báo in

Bắt đầu từ người thầy!

16:12, 27/11/2021

Năm nào đến ngày 20/11, hoa tràn ngập, phố xá rộn ràng học sinh và phụ huynh đi thăm nhà giáo. Nếu là những lớp học trò trưởng thành đến thăm thầy cô giáo cũ, thì đó là sự tri ân người thầy. Một nghĩa cử đáng trân trọng, cho cả người thầy lẫn học trò.

Nhưng nếu buổi sáng vừa học với thầy cô trên lớp mà buổi chiều lại kéo nhau đến nhà thầy cô để “chúc mừng ngày nhà giáo” cùng với lỉnh kỉnh lẵng hoa, gói quà thì việc làm đó có ý nghĩa gì? Buổi tối, phụ huynh đi làm về hẹn nhau đến nhà thầy cô, lại thêm lẵng hoa, có khi cả chiếc phong bì thì đó có phải là sự tôn vinh nghề giáo hay không?

Những câu hỏi có thể làm cho ai đó phật ý. Nhưng năm nào vào dịp 20/11 cũng chứng kiến hình ảnh đó, lòng tôi lại bật lên những điều băn khoăn. Còn nhiều câu hỏi nữa không chỉ đặt ra cho nhà giáo, cho ngành giáo dục, mà cho cả xã hội. Sự thật là nền giáo dục nước nhà vẫn chưa thoát khỏi vướng mắc rối rắm, dù Nhà nước đã xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển. Bao giờ thì giáo dục Việt Nam sẽ ra khỏi tình trạng rối rắm nan giải đó, để phát triển? Giữa vô vàn gian khó đó, phải bắt đầu từ đâu?

Sự thật là nền giáo dục nước nhà vẫn chưa thoát khỏi vướng mắc rối rắm, dù Nhà nước đã xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển.

Phải bắt đầu từ người thầy, chứ không thể từ đâu khác!

Hình ảnh đại diện của nền giáo dục là ngôi trường. Trong ngôi trường đó, có hai chủ thể là người dạy và người học. Trong hai chủ thể đó, người dạy phải chịu trách nhiệm trước tiên và chính yếu mọi việc, không chỉ việc dạy của mình, mà cả việc học của trò. Nền giáo dục Nho giáo đề cao “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, không phải là xem nhẹ vai trò người học, mà chính là đặt nặng trách nhiệm của người thầy. Giáo dục ngày nay đề cao vai trò chủ thể của người học, nhằm khai phóng tối đa năng lực sáng tạo của học sinh - sinh viên, bằng sự tự chủ, năng động của mình. Tức là đòi hỏi cao hơn vai trò của người thầy. Người thầy trong nền giáo dục hiện đại phải là người truyền cảm hứng, kích thích sáng tạo cho người học. Thầy không phải đọc cho trò chép, bảo gì trò nghe nấy, mà là trả lời những câu hỏi chất vấn của trò, phản biện chính kiến của người học đưa ra...

Thầy giáo Chu Trọng Hiệp hướng dẫn bài cho học sinh trong giờ học tại Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin, huyện Lắk).

Việc đầu tiên mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thực hiện ngay sau khi nhậm chức là gửi một lá thư đến các nhà giáo trong cả nước. Ngay đầu thư, Bộ trưởng bày tỏ rằng, trăn trở đầu tiên của ông khi nhận nhiệm vụ là suy nghĩ về nghề và sự nghiệp của nhà giáo. Việc đổi mới nền giáo dục và của cả xã hội, phải bắt đầu từ người thầy. “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta”.

Đến đây sẽ có người hỏi: sao trả lương cho nhà giáo thấp mà cứ đòi hỏi cao như vậy? Một câu hỏi cần thiết phải đặt ra, vì đời sống khó khăn của nhà giáo luôn là nỗi day dứt của cả xã hội, suốt hàng chục năm qua. Chất lượng giáo dục thật khó nâng cao nếu lương nhà giáo vẫn thấp. Nhưng nếu điều kiện của đất nước vẫn chưa đủ để trả lương cao cho nhà giáo, chúng ta phải chấp nhận một nền giáo dục chất lượng thấp hay sao? Nếu vậy sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn, và càng ngày càng tệ hơn.

Đổi mới nền giáo dục phải bắt đầu từ sự hy sinh của người thầy vì nghề giáo là nghề thiên chức...!

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.