Multimedia Đọc Báo in

Gia đình ba thế hệ gắn bó với nghề giáo

08:55, 28/11/2021

Với niềm đam mê và tình yêu nghề giáo, gia đình thầy giáo Hoàng Văn Ngà (80 tuổi, dân tộc Mường) ở thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) có tới ba thế hệ đều gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

Dù đã rời xa bục giảng nhiều năm, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng khi nhắc đến nghề giáo, giọng thầy Ngà bỗng trở nên hào sảng và đôi lúc có phần nghẹn lại.

Thầy tâm sự: “Hồi học cấp 2 ở quê huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ), tôi rất thần tượng về một người thầy giáo giản dị, tận tụy hết lòng với học sinh. Thầy không chỉ dạy tôi về văn hóa mà còn dạy tôi biết thế nào là lễ nghĩa, đối nhân xử thế, lẽ phải trên đời. Từ đó, tôi đam mê nghề giáo và quyết tâm học tập chăm chỉ để sau này làm thầy giáo”.

Lúc ấy, việc học của thầy Ngà bị ngắt quãng nhiều năm vì không có trường lớp để học, nhưng rồi với sự quyết tâm theo đuổi bằng được đam mê, thầy đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, rồi đi dạy học từ năm 1970.

“Thời chiến tranh, bom rơi đạn lạc, việc dạy học gặp rất nhiều nguy hiểm, dù lương chỉ có vài đồng có khi không đủ ăn, nồi cơm thường xuyên phải độn khoai lang, sắn, bo bo nhưng chúng tôi vẫn bám lớp, bám trường dạy chữ cho học sinh”, thầy Ngà trải lòng.

Công tác ở quê hương đến năm 1991, do con đông, cuộc sống quá khó khăn nên thầy Ngà xin nghỉ chế độ một lần, sau đó vào Tây Nguyên sinh sống. Sau đó, thầy tiếp tục dạy học ở huyện Buôn Đôn từ năm 1996 đến 2003 rồi về nghỉ hưu.

Thầy giáo Hoàng Văn Ngà đã có nhiều năm gắn bó với nghề giáo.

Gia đình thầy Ngà hầu hết theo ngành giáo dục. Người vợ quá cố của thầy cũng đã có hơn 25 năm gắn bó với ngành cho đến khi về hưu. Tiếp nối truyền thống, bốn người con của thầy cũng đều theo học ngành sư phạm: thầy Hoàng Quốc Hội (SN 1967) người con trai thứ ba của thầy Ngà đã gắn bó với nghề giáo 34 năm, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn); thầy Hoàng Mạnh Huy (SN 1970) người con trai thứ tư, đã có 28 năm trong nghề, đang là giáo viên Trường THCS Quang Trung (huyện Ea Súp); thầy Hoàng Quốc Hưng (SN 1974), là con trai thứ năm, theo nghề đã được 24 năm, là giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn); cô Hoàng Thị Thúy Hằng (SN 1981), người con gái thứ sáu, với 17 gắn bó với nghề, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn).

Riêng người con trai cả và người con trai thứ hai (anh Hoàng Thanh Hải SN 1963 và anh Hoàng Thanh Hà SN 1966) là không theo nghề giáo vì phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình nuôi các em. Ngoài ra, hai người con dâu (cô Lê Thị Ngọc Tú, vợ thầy Hội và cô Nguyễn Thị Hiền, vợ thầy Hưng) và hai cháu nội của thầy Ngà là Hoàng Ngọc Vân và Hoàng Mai Ngọc cũng là giáo viên công tác trong ngành giáo dục của tỉnh.

Gia đình thầy giáo Hoàng Văn Ngà tề tựu chúc mừng thầy nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Anh Hoàng Quốc Hội, con trai thầy Ngà chia sẻ: "Lúc nhỏ anh em tôi thường được cha mẹ chở theo đến trường học. Ở nhà hai người là cha mẹ nhưng đến lớp, cha mẹ chúng tôi lại là thầy. Suốt những năm tháng ấy không chỉ gieo vào lòng chúng tôi niềm đam mê của nghề giáo mà còn là sự tự hào về cha mẹ mình. Chúng tôi tự nhiên yêu nghề giáo từ lúc nào không hay và rồi khi học xong trung học, chúng tôi tiếp bước theo nghề của cha mẹ”.

Với vai trò là người ông, người chồng, người cha trong gia đình, thầy Ngà luôn gương mẫu từ lời nói đến việc làm để mọi thành viên trong gia đình noi theo. Và mặc dù đông con, cháu, bận rộn với việc lao động kiếm sống, nhưng việc dạy bảo, chăm sóc con cháu luôn được thầy Ngà quan tâm, từ việc dạy lễ phép với mọi người, ứng xử có văn hóa, đến biết quý trọng người lao động, cống hiến cho xã hội...

Đến nay, điều khiến thầy Ngà tâm đắc là không chỉ các con của thầy mà nhiều học trò đã thành đạt trên các lĩnh vực. Nhiều người đảm đương chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước hoặc làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động...

Thanh Nga – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.