Nhớ mãi mái trường thân yêu
Tôi công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) suốt 12 năm, từ năm 1982 đến 1995. Và ngôi trường đã để lại trong tôi những dấu ấn đậm nét.
Trường có khung cảnh rất đẹp và nên thơ. Một tòa nhà lớn ba tầng trên đồi cao, là khu giảng đường và hội trường lớn. Ngay trước mặt tòa nhà có hai cây ngọc lan cổ thụ tỏa hương thơm ngát. Tiếp đến là một sườn đồi đổ nghiêng xuống tới con suối nhỏ Ea Tam. Ngay chính giữa sườn đồi có một cây bằng lăng thường nở hoa màu tím vào đầu tháng ba hằng năm.
Khung cảnh nên thơ của ngôi trường đã khiến tôi cảm tác. Tôi đã viết bài thơ có tựa đề “Mái trường em yêu”: Sân trường mây áo trắng/Lưng đồi tím bằng lăng/Vì giọng cô sâu lắng/Suối chân đồi im chăng?/Thầy lật trang giáo án/Thơm thơm hương ngọc lan/Ở đâu như cao đẳng/Mà em yêu vô vàn.
Nhưng năm tháng ấy, đất nước đang ở thời kỳ vô vàn khó khăn, thầy trò Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột cũng phải nỗ lực đương đầu với biết bao thử thách để hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Hơn nghìn người nhiều lúc phải ăn bo bo, ăn bắp xay thay gạo, phải đào thêm giếng để lấy nước sinh hoạt. Nhiều giáo sinh mới tuyển từ Nghệ - Tĩnh vào, tài sản vẻn vẹn một bộ áo quần mong manh mặc trên người. Và ở trường có đến mười bốn thầy phải chạy xe thồ để kiếm thêm thu nhập... Vất vả là vậy nhưng trường luôn hoàn thành nhiệm vụ đào tạo lực lượng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở cho địa phương. Bên cạnh hệ đào tạo chính quy từ hai rồi ba năm, trường được phép mở thêm các hệ đào tạo cấp tốc, đào tạo giáo viên căn bản.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình (ở giữa, hàng trước) về thăm Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột năm 1986. Ảnh tư liệu |
Đội ngũ nhà trường đã nỗ lực hết mình. Một quá khứ tận tâm, đầy nhiệt huyết đã làm nên bao công việc mà nay nhìn lại, cảm thấy rất vui, tự hào. Ngoài nhiệm vụ đào tạo, trường còn vượt khó làm vườn cà phê 15 ha, triển khai chủ trương của Nhà nước lúc bấy giờ về việc tổ chức lao động sản xuất trong trường học. Trường chủ trương chia đất trong khu vực trường quản lý cho cán bộ, công chức làm nhà để an cư lập nghiệp; từ đó hình thành một làng sư phạm hiếm hoi trên cả nước. Trường cũng chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy, đã kiên trì trong suốt mười năm để bố trí sắp xếp và cử người đi học bậc thạc sĩ (lúc ấy gọi là sau đại học). Đội ngũ cán bộ giảng dạy có học vị thạc sĩ hôm nay của trường, chủ yếu được đào tạo từ những năm tám chín mươi xa xưa ấy...
Trong tâm khảm, tôi còn lắng đọng bao nhiêu hình ảnh đồng nghiệp và sự việc mà sức tàn phá của thời gian cũng không sao lãng quên được. Một lần, khi nghe tin có một số sinh viên Đại học Đà Lạt vốn là người Đắk Lắk đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cuối khóa, tôi sang đó mời họ về công tác tại trường nếu họ có kết quả tốt nghiệp từ loại khá trở lên như Bộ Giáo dục quy định. Đồng thời tôi cũng báo trước là họ chỉ dạy chừng một hai năm thì phải đi Hà Nội để học cao học... Chuyến đi ấy tôi mời được 14 người về trường, đều ở bộ môn ngữ văn cả và về sau, họ đều là thạc sĩ.
Với tôi, Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột là nơi biết mấy ân tình. Ngày tôi được điều động đi nhận nhiệm vụ khác, chúng tôi đã có buổi gặp mặt chia tay xúc động, thắm đượm ân tình. Thầy giáo dạy nhạc, nhạc sĩ Lê Nhật Thanh từ hàng ghế giữa hội trường lên bục phát biểu bằng bài thơ ngắn gọn mới viết tại chỗ với đầu đề “Kính tặng anh Trúc” mà đến giờ tôi vẫn còn thuộc: Gửi tặng anh câu thơ chiều tiễn biệt/Nỗi nhớ thương này da diết khôn nguôi/ Đã đành không gặp thì thôi/ Gặp rồi nhớ mãi, suốt đời không quên/ Con đường xưa đã quen tên/Giờ đây vắng bóng người lên sớm chiều/ Ngôi trường biêt mấy thân yêu/ Với anh, có cả trăm điều lo toan/ Ngọc lan hương vẫn nồng nàn/Tình anh để lại muôn vàn thiết tha/ Dặm đường anh đã đi qua/Mong sao anh vẫn cứ là riêng anh.
Bài thơ trên đã nằm trong tập lưu các kỷ niệm quý của gia đình tôi, đến nay đã 28 năm. Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột mãi là mái trường thân yêu mà suốt đời tôi không thể nào quên!
Nguyễn Trúc
Ý kiến bạn đọc