Đừng tạo áp lực học tập lên học sinh
Vụ việc một bé trai lớp 6 ở Hà Nội nhảy từ tầng 22 chung cư tự tử vì áp lực học tập, làm bài thi không tốt khiến ai cũng đau xót!
Áp lực học tập, thi cử không phải đến bây giờ mới có nhưng trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài kéo theo những hậu quả không mong muốn về tâm lý, tinh thần thì áp lực này càng thêm nghiêm trọng.
Học kỳ 1 của năm học 2021 - 2022 đã trôi qua. Phụ huynh nào đồng hành cùng con chắc hẳn đã phần nào nhận ra áp lực của việc hoàn thành hết tất cả các bài tập mà nhà trường, thầy cô yêu cầu, kể cả là học sinh lớp 1 - những em lần đầu tiên học online. Bản thân tôi là một giáo viên nhưng cũng phải choáng váng trước số lượng sách vở, nhiệm vụ của con.
Chỉ tính riêng môn Tiếng Việt lớp 1, con đã phải học 1 cuốn sách giáo khoa, 4 vở bài tập và 1 cuốn vở 5 ô li. Nếu tính cả năm học, một học sinh lớp 1 phải hoàn thành 2 cuốn sách giáo khoa và 8 vở bài tập, chưa tính những bài viết riêng vào vở 5 ô li chỉ riêng môn Tiếng Việt. Mỗi ngày, ngoài giờ học online với cô giáo, con sẽ phải nộp bài tập lên trang Azota và làm thêm bài tập cô giao trên trang olm.vn. Một số bài tập trong sách vở và trang olm theo tôi là quá sức với học sinh lớp 1 và buộc phụ huynh phải “can thiệp” nếu không muốn bị giáo viên nhắc nhở “sao con không hoàn thành?”
Tiết học online của học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory. Ảnh: H.Nguyên |
Con gái lớn của tôi hiện đang là học sinh lớp 6, suốt 5 năm tiểu học chưa từng được học tin học lần nào (nhà trường có phòng máy nhưng thiếu giáo viên) nhưng đã phải làm bài tập nhóm là thực hiện Powerpoint theo các chủ đề. Con bật khóc vì các bạn trong nhóm không chịu làm mà con lại là tổ trưởng. Thế là, dù muốn hay không phụ huynh cũng phải ra tay giúp con một phần. Nếu tôi là người không biết sử dụng Powerpoint thì con sẽ thế nào? Các thầy cô, nhà trường liệu có dự đoán được những nhiệm vụ học tập giao cho học sinh có vừa sức với đa số các em và cả với phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh lớp 1?
Thực tế hiện nay có những phụ huynh luôn mong muốn, tạo sức ép để con cái phải học giỏi nhất nhì lớp, thi đậu lớp chọn, trường chuyên, trường nổi tiếng để bố mẹ nở mày nở mặt. Những phụ huynh này thương con, không tiếc tiền bạc, công sức, thời gian đầu tư cho việc học của con bởi họ tin rằng học giỏi là chìa khóa tốt nhất để mở ra cách cửa thành công trong tương lai. Nếu con cái vốn đã có tố chất vượt trội thì sự đầu tư xứng đáng từ phụ huynh sẽ giúp các em phát huy được năng lực của mình.
Nhưng nếu năng lực của con có hạn thì sự kỳ vọng thái quá của phụ huynh lại tạo ra áp lực khủng khiếp cho các em và chuyện so sánh với “con nhà người ta” sẽ khiến các em phải lo lắng, thậm chí ám ảnh, hay nổi loạn để phản ứng lại. Mặt khác, một số học sinh vốn có ý thức tự giác, tinh thần nỗ lực trong học tập cũng tự đặt mục tiêu phấn đấu cho bản thân và đến khi không đạt được thì thất vọng, chán nản, suy nghĩ cực đoan rằng mình là kẻ thất bại, không làm được gì. Nếu không kịp thời được phát hiện, nguy cơ những học sinh này có hành động dại dột, tự hủy hoại bản thân là rất cao.
Học hành là một trong số những con đường để đạt đến cái đích thành công. Nhưng vốn dĩ năng lực của mỗi học sinh là khác nhau, không phải em nào cũng giỏi, môn nào cũng tốt. Người lớn chúng ta hẳn đều biết không thể bắt con cá phải leo cây hay con mèo phải bơi giỏi, vậy tại sao lại cứ muốn đứa trẻ nào cũng học hành xuất chúng? Đã đến lúc cả nhà trường lẫn phụ huynh phải đặt mục tiêu làm sao để học trò mình, con cái mình trở thành người có ích cho xã hội, có khả năng làm một công việc lương thiện, sống vui vẻ thay vì mong muốn những thành tích quá sức!
Như Bình
Ý kiến bạn đọc