Multimedia Đọc Báo in

Sáng tạo trong dạy học online

09:10, 11/12/2021

Dạy học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thầy cô giáo ở huyện Cư M’gar, nhất là những giáo viên trẻ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, cách làm hay để gỡ khó, đồng hành với học sinh.

Theo đó, các thầy cô ở mỗi cấp học đã có những đổi mới, sáng tạo khác nhau để phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học. Nội dung bài giảng các môn học được truyền tải tới học sinh qua nhiều hình thức, phù hợp với từng môn học như: sử dụng bài giảng điện tử kết hợp tương tác với người học qua phần mềm Zoom, Google meet… và lồng ghép các video hướng dẫn. Đã có hàng trăm video, bài giảng điện tử được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên Youtube hay các trang Facebook, Zalo cá nhân, trên các trang Zalo, nhóm kín của lớp...

Với cách làm này, học sinh có thể chủ động về mặt thời gian và xem đi xem lại, học mọi lúc mọi nơi, từ đó rèn luyện và nâng cao ý thức tự học. Phụ huynh cũng có thể kiểm soát và hỗ trợ các con. Nhờ việc triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến hiệu quả mà các trường học đã và đang thực hiện tốt "mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Các video hướng dẫn giáo dục trẻ mầm non do các cô giáo Trường Mầm non Ea Tu thực hiện.

Tại Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh), để tăng tính tương tác trong mỗi bài học, các thầy cô giáo đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nên những tiết học lôi cuốn, hấp dẫn học sinh. Như thầy Mai Văn Chuyền giảng dạy môn thể dục, do đặc thù là môn học vận động cơ thể, không có tài liệu cứng, không có sự hướng dẫn trực quan, trực tiếp thì học sinh rất khó làm theo, để tạo sự hứng thú, giúp các em dễ hiểu bài, thầy Chuyền đã dành nhiều thời gian thực hiện các video hướng dẫn các bài tập thể dục một cách tỉ mỉ. Không có máy quay, phòng dựng chuyên dụng nên thầy chủ yếu sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện, “trường quay” có thể tận dụng phòng học, hoặc ở nhà. Các video được thầy dàn dựng công phu và có những hướng dẫn cụ thể, kèm theo nhạc giúp các em hứng thú, không còn nhàm chán.

 

Nhờ việc triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến hiệu quả mà các trường học đã và đang thực hiện tốt "mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Nhờ cách làm này, không khí của mỗi buổi học thể dục luôn sôi nổi, hào hứng… Thầy Chuyền chia sẻ: “Đứng trước camera thực hiện từng động tác hướng dẫn cho các em, chất lượng hình ảnh sẽ không cao, khi các em muốn xem lại cũng khó… nên tôi chọn cách làm video để hướng dẫn. Trong các video, ngoài phân tích từng động tác bằng hình ảnh, lời nói, tôi còn minh họa bằng chữ để các em hình dung về động tác tốt hơn, cũng như kèm thêm âm nhạc để kích thích sự sôi động... Tùy theo từng bài học mà có thời lượng dài hay ngắn khác nhau, thường thì không quá 3 phút/video”.

Là cấp học không bắt buộc phải tổ chức dạy học online nhưng thời gian qua các cô giáo Trường Mẫu giáo Ea Tul (xã Ea Tul) vẫn cùng nhau làm những video bài học theo từng độ tuổi để phụ huynh xem, nghiên cứu rồi hướng dẫn cho trẻ học tại nhà trong thời gian chưa thể đến trường.

Một tiết dạy online của thầy Mai Văn Chuyền.

Thời gian đầu, các cô phải vừa làm, vừa học hỏi nên không khỏi lúng túng. Đến nay, việc xây dựng video của các cô đã đi vào ổn định và bước đầu có hiệu quả nhất định. Đã có hơn 50 video đã được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng như: Youtube hay Facebook, Zalo... Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi video đều được các cô làm rất kỳ công, người lên ý tưởng, phụ trách quay, người chuẩn bị đạo cụ… Nội dung được xây dựng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhận biết và đặc biệt là phù hợp với từng lứa tuổi. Mặc dù chỉ được thấy giáo viên trên màn hình điện thoại, máy tính nhưng rất nhiều trẻ tỏ ra thích thú như đang được học ở trên lớp. Phụ huynh cũng sẵn sàng, đồng hành với con tham gia các hoạt động này”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.