Multimedia Đọc Báo in

Trường Đại học Tây Nguyên linh hoạt việc dạy và học trong mùa dịch

07:06, 21/12/2021

Trong điều kiện tạm dừng đến trường do ảnh hưởng dịch bệnh, Trường Đại học Tây Nguyên đã nỗ lực thích ứng, phát huy lợi thế chủ động, khả năng tự học của sinh viên để tổ chức dạy, học hiệu quả.

Trải nghiệm đa chiều

So với các bậc học khác, bậc đại học có những lợi thế nhất định khi tổ chức dạy học online bởi hầu hết các sinh viên đều có sự chủ động, mục tiêu học tập cụ thể.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ, năm học 2020 - 2021, nhà trường đã tổ chức dạy học online vào học kỳ II khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do đó sinh viên, giảng viên không còn bỡ ngỡ đối với hình thức dạy học này trong học kỳ I, năm học 2021 - 2022. Nhà trường cũng tạo sự chủ động trong công tác quản lý bằng cách: sử dụng các phần mềm giáo dục trực tuyến hiện đại; xây dựng thời khóa biểu hợp lý;  bố trí các tiết học làm quen nhằm giới thiệu về môn học, phương pháp học, tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa giảng viên và sinh viên nên việc học online khá thuận lợi. Đặc biệt là giảng viên, sinh viên có thể dạy, học bất cứ thời gian nào, ở đâu, miễn sao bảo đảm được nội dung chương trình theo quy định. Tất cả các hoạt động dạy, học, tài liệu liên quan được truyền tải, ghi nhận qua phần mềm Microsoft Teams, hệ thống quản lý học tập (LMS-Learning Management System), người quản lý có thể tham gia vào tiết học khi cần thiết, đáp ứng "nhiệm vụ kép": dạy học và an toàn dịch bệnh.

Sinh viên lớp YK20B, khoa Y Dược (Trường Đại học Tây Nguyên) thực hành môn Xét nghiệm tại trường.

Em Nguyễn Đình Hùng, sinh viên lớp YK20B, khoa Y Dược (Trường Đại học Tây Nguyên) chia sẻ: “Đây là năm thứ hai em học online nên khá chủ động, không còn bỡ ngỡ như trước. Điều đặc biệt là sau kỳ nghỉ hè năm học 2020 - 2021, em đang ở quê là xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) nhưng vẫn tham gia đầy đủ các môn học trong chương trình như các bạn thông qua phần mềm dạy học trực tuyến của trường. Ngoài học lý thuyết, em và các bạn còn tham gia hoạt động nhóm theo hình thức chia nhóm tự động qua phần mềm hoặc chia nhóm chọn lọc dưới sự hướng dẫn của giảng viên nên có thể thảo luận nhóm, làm bài tập và trò chuyện với bạn bè như học trực tiếp. Trong tình thế bắt buộc do dịch bệnh thì học online là một trải nghiệm đa chiều và tuyệt vời”.

Hướng đến hoạt động dạy, học trực tiếp

Năm học 2021 - 2022, Trường Đại học Tây Nguyên có hơn 8.000 sinh viên hệ chính quy. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", trường bắt đầu tổ chức dạy, học trực tiếp từ ngày 8/12/2021 nhưng vẫn luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch; lên phương án cụ thể khi xảy ra các trường hợp F0, F1 đối với giảng viên và sinh viên… Sinh viên của trường đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đa số là thuê phòng trọ để ở. Do đó, để đón sinh viên trở lại trường, trường đã làm việc với chính quyền địa phương và có sự chấp thuận của UBND TP. Buôn Ma Thuột nhằm bảo đảm sự kết nối, ứng phó linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hiện Ký túc xá Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh (Trường Đại học Tây Nguyên) đang được tỉnh trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch nên nhà trường vẫn siết chặt công tác tổ chức dạy học. Hình thức học trực tiếp chủ yếu tổ chức cho sinh viên năm cuối hoặc sinh viên ngành y ở các học phần thực hành, học phần đặc thù.

Em Nguyễn Thị Nguyên Linh, sinh viên năm 2, khoa Y Dược (Trường Đại học Tây Nguyên) tìm hiểu về các dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm.

Em Nguyễn Thị Nguyên Linh, sinh viên năm 2, khoa Y Dược cho hay: “Hình thức học online có những hạn chế so với học trực tiếp bởi không có sự tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên nhưng nếu chủ động, chịu khó thì hiệu quả vẫn cao bởi sinh viên có thể tận dụng thời gian để tìm tài liệu, học thêm kiến thức bên ngoài. Hiện tại, em đang tham gia học phần thực hành tại trường, tranh thủ cơ hội này để tìm hiểu về các ca lâm sàng, tình huống liên quan bằng chính kinh nghiệm của giảng viên. Sự diễn tả, chia sẻ kiến thức thực tế thông qua kỹ năng sư phạm của giảng viên giúp sinh viên có sự hình dung, nắm bắt và mở rộng kiến thức hiệu quả”.

Trên thực tế, để tạo sự tương tác trong dạy học trực tuyến, giảng viên sẽ soạn các bài giảng đi kèm với bài tập và đáp án cụ thể để sinh viên biết được điểm số sau khi hoàn thành bài tập; tổ chức hoạt động nhóm để các em chủ động học tập, nắm chắc kiến thức lý thuyết phục vụ cho tiết học thực hành tại trường. Cô Trịnh Ngọc Thảo Vy, giảng viên bộ môn Xét nghiệm, khoa Y Dược cho biết, tận dụng thời gian học trực tiếp, cô và sinh viên thống nhất việc tổ chức dạy, học cả thứ bảy, chủ nhật để bắt kịp tiến độ chương trình. Vì thế, trong các tiết thực hành, ngoài hướng dẫn và lắng nghe sinh viên thảo luận, cô còn lồng ghép kiến thức lý thuyết thông qua việc nêu câu hỏi để sinh viên trả lời.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.