Cần chú trọng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số
Việc làm có liên quan trực tiếp đến sự trưởng thành và phát triển của mỗi cá nhân trong xã hội, do vậy, hướng nghiệp cho học sinh luôn là vấn đề được quan tâm. Trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong chọn lựa và tìm kiếm việc làm do phải cùng lúc đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng khác nhau.
Học THPT là giai đoạn quan trọng trong hình thành ý thức về nghề nghiệp. Do đó, thăm dò lý tưởng nghề nghiệp của học sinh THPT nói chung và học sinh DTTS nói riêng là cần thiết, làm cơ sở định hướng nghề nghiệp cho các em.
Theo kết quả khảo sát dựa trên 510 phiếu khảo sát xu hướng chọn nghề của học sinh DTTS tại 5 trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới đây, khi được hỏi khái niệm về nghề nghiệp, các em đã đưa ra một số câu trả lời như sau: “Nghề là một công việc để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình” (chiếm 75%); “Nghề là công việc bản thân yêu thích và giúp phát triển năng lực, kỹ năng của bản thân” (chiếm 50,8%); “Nghề là công việc mà bản thân cần thực hiện để phục vụ xã hội” (chiếm 30,8%). Những câu trả lời trên cho thấy đại bộ phận học sinh THPT người DTTS đã có cách nhìn nhận thực tế, ý thức được vai trò của vật chất đồng thời cũng thể hiện được ý thức trách nhiệm của bản thân, yêu thương gia đình và có trách nhiệm đối với sự phát triển của xã hội.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào đại học. Ảnh: Thanh Hường |
Với câu hỏi “ngành/nghề mà em sẽ lựa chọn là?” thì các nghề: giáo viên, kế toán, may mặc, đầu bếp, công nghệ thông tin, cơ khí được đa số học sinh DTTS lựa chọn. Trả lời cho câu hỏi: “lý do lựa chọn ngành/nghề của em là gì?” thì có đến 52,5% các em chọn nghề do sở thích; 38,6% chọn do nhận thấy phù hợp với năng lực; 29,1% chọn vì cho rằng nghề nghiệp mình dễ xin việc và 7,6% chọn do bố mẹ định hướng. Như vậy có thể thấy động cơ nghề nghiệp của học sinh THPT người DTTS khá rõ ràng, chủ yếu chọn nghề dựa trên đam mê và năng lực của bản thân hoặc kết hợp nhu cầu xã hội với bản thân.
Tuy nhiên ở câu hỏi “Hãy kể ra những khó khăn mà em gặp phải khi lựa chọn ngành nghề” thì kết quả thống kê có 66% lo lắng không đủ học phí để theo đuổi ngành nghề mơ ước; 51,9% cho rằng khả năng học tập không đủ để thi đậu vào ngành nghề sẽ chọn; 28,2% cho rằng ngành nghề mình sẽ khó xin việc…
Như vậy, khó khăn lớn nhất của học sinh DTTS có thể kể đến là vấn đề kinh tế và năng lực của bản thân. Trên thực tế, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình người DTTS không có điều kiện đầu tư cho con tham gia các khóa học thêm, bồi dưỡng kiến thức hoặc các hoạt động trải nghiệm khác, do đó năng lực cá nhân của các em cũng có phần hạn chế. Do vậy, các cơ sở giáo dục cần cân nhắc yếu tố này trong việc định hướng giúp học sinh DTTS chọn được nghề phù hợp với hoàn cảnh thực tế của bản thân.
Thêm vào đó, kết quả điều tra cho thấy có 98% phụ huynh học sinh DTTS làm nghề nông và 71% phụ huynh thường xuyên định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Đây cũng là một trong những khó khăn cho công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh DTTS khi phạm vi hoạt động nghề nghiệp của các bậc phụ huynh khá hẹp, khó có thể phối hợp tốt cùng nhà trường để định hướng nghề nghiệp cho con em một cách khoa học.
Tư vấn tuyển sinh cho học sinh THPT tại một trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột năm 2021. Ảnh: Lan Anh |
Trước áp lực tìm kiếm cơ hội việc làm hiện nay, học sinh DTTS cũng cần ý thức được sự cạnh tranh trên thị trường lao động là tất yếu để rèn luyện bản thân đáp ứng được yêu cầu việc làm.
Thiết nghĩ, các trường phổ thông cần nghiêm túc làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT người DTTS nhằm giúp các em sớm phân tích được những điểm mạnh, điểm yếu, nhận diện rõ sở trường, khách quan đánh giá năng lực của bản thân để từ đó đưa ra định hướng nghề nghiệp đúng đắn, hình thành động cơ phấn đấu rõ ràng, tránh tình trạng định hướng nghề nghiệp không phù hợp, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm sau này.
TS. Vũ Minh Chiến
(Trường Đại học Tây Nguyên)
Ý kiến bạn đọc