Thầy giáo hơn 20 năm "gieo chữ" nơi vùng sâu Cư Drăm
Đã bước sang tuổi 60 nhưng thầy giáo, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Khoa Xuân (nhà ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn bám trụ, gắn bó với học sinh người dân tộc Mông của Trường Tiểu học Yang Hăn, một ngôi trường nằm ở xã vùng sâu Cư Drăm của huyện Krông Bông.
Năm 1997, thầy Nguyễn Khoa Xuân quyết định theo học ngành sư phạm tại Trường Đại học Tây Nguyên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đi làm ở lĩnh vực xây dựng một thời gian. Tốt nghiệp năm 2001, thầy Xuân được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Yang Hăn cho đến nay.
Về dạy học ở vùng sâu, thầy Xuân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cách đây 20 năm, địa phương nơi thầy dạy là vùng có nhiều cái “không” như: không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch; nhiều thầy cô phải ở nội trú trong khi chỗ ở lại thiếu. Vào mùa mưa, đường lầy lội, mỗi lần đến lớp, thầy cô đều phải cuốc bộ, lội suối… Chưa kể hoàn cảnh gia đình của thầy khá khó khăn khi hai con còn nhỏ, công việc của vợ lại không ổn định. Nhưng thầy Xuân bảo, những khó khăn của mình chẳng là gì so với thiệt thòi của học trò nơi vùng sâu này, từ đó thầy quyết tâm dù khó khăn bao nhiêu cũng cố gắng vượt qua để đem con chữ đến với học sinh.
Thầy Nguyễn Khoa Xuân và các em học sinh trong giờ lên lớp. |
Khi thầy Xuân về nhận công tác, Trường Tiểu học Yang Hăn mới chỉ có 12 lớp, 320 học sinh; đến nay trường đã có 35 lớp với 1.012 học sinh. Ngoài dạy học, thầy còn thường xuyên đến thăm, hướng dẫn học sinh học ở nhà, tìm hiểu hoàn cảnh để giúp đỡ, vận động các em nghỉ học ra lớp; nhờ vậy, những lớp do thầy làm chủ nhiệm có tỷ lệ lên lớp khá cao. Thầy Xuân chia sẻ: “Học sinh của trường đa số là người dân tộc Mông ở các tỉnh phía Bắc vào định cư. Điều kiện học tập, hoàn cảnh gia đình của các em rất khó khăn. Vốn tiếng Việt của các em còn hạn chế, nhất là lớp một. Vì vậy thầy cô ở đây phải cố gắng, vất vả, bỏ ra nhiều thời gian, công sức giúp đỡ, bồi dưỡng, phụ đạo, ngoài ra còn phải học thêm một số tiếng Mông cơ bản để giao tiếp với các em”.
Dù nhà ở cách trường hàng trăm cây số, đi lại vất vả nhưng thầy Xuân luôn khắc phục để thực hiện nghiêm túc thời gian giảng dạy. Hằng tuần, cứ sáng thứ hai thầy vào trường và đến chiều thứ sáu mới về thăm nhà. Thầy cười kể: “Trước đây đường đi lại khó khăn, từ nhà tôi xuống trường mất hơn 4 giờ, nhiều hôm gặp trời mưa to, tôi về đến nhà đã gần 9 giờ tối. Bây giờ đường đi tốt hơn nhưng sức khỏe lại yếu, mắt kém nên cũng mất hơn 3 tiếng”.
Khắc phục khó khăn, gắn bó với học sinh vùng sâu trong suốt hơn 20 năm qua, thầy giáo Nguyễn Khoa Xuân là tấm gương sáng về tinh thần, nghị lực vượt khó để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở huyện Krông Bông.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc