Multimedia Đọc Báo in

Cần lắm, cái tâm của người thầy!

08:14, 04/07/2022

Phải tìm cách để học sinh bảo đảm trình độ tiếp thu kiến thức mới; nếu không đủ điều kiện để lên lớp thì phải ở lại lớp, không thể khác được - đó vừa là nguyên tắc, vừa là tình cảm, trách nhiệm đối với học sinh.

Sau các bài viết: “Đây có phải là học sinh lớp 6?”; Học “cấp 2”, thi bài “cấp 1”!  đăng trên Báo Đắk Lắk Cuối tuần, người viết có tìm hiểu thêm một số cách giải quyết vấn đề "ngồi nhầm lớp", để những học sinh chưa “đọc thông viết thạo” cuối năm học có đủ điểm lên lớp và được biết đến những câu chuyện đầy ý nghĩa về trách nhiệm của người thầy đối với học sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cựu giáo chức Nguyễn Mỹ, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Krông Bông kể về việc xử lý tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” bằng câu chuyện sau: Hồi đó, sau khi nhà trường tuyển sinh vào lớp 6 và học được 1 tháng thì giáo viên báo cáo có một em không biết đọc, biết viết! Với tư cách là Hiệu trưởng, thầy Mỹ suy nghĩ rất nhiều: Vì sao có trường hợp này, vì sao em này có điểm đạt tiêu chuẩn đỗ vào lớp 6 qua kỳ thi gọi là nghiêm ngặt, công bằng đúng quy định mà chính giáo viên phản ánh lại là người coi thi và chấm bài? Ban giám hiệu đã vào cuộc xem lại bài đã chấm của em đó, kiểm tra học bạ và liên hệ với giáo viên tiểu học tham khảo. Việc xử lý cuối cùng là do Hiệu trưởng quyết định. Hiệu trưởng có thể trả lại học sinh vì không đủ điều kiện. Cuối cùng Hiệu trưởng đã quyết định:

Một là, không đổ thừa cho trường tiểu học, cho giáo viên coi, chấm thi và xác định lỗi là do Hiệu trưởng. Hai là, định kế hoạch khắc phục, mục tiêu đạt được là đảm bảo được chất lượng trình độ để học sinh tiếp thu kiến thức mới.

Theo đó, nhà trường tiến hành các bước: Thứ nhất, mời phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm tới thông báo tình hình và dự kiến kế hoạch của Hiệu trưởng. Thứ hai, mời giáo viên bồi dưỡng để học sinh đọc thông viết thạo, phấn đấu hết học kỳ 1. Kinh phí bồi dưỡng là do giáo viên thống nhất với phụ huynh, do phụ huynh chi trả. Nhà trường tạo mọi điều kiện theo yêu cầu của giáo viên bồi dưỡng.

Cuối cùng em học sinh đã đạt yêu cầu và đảm bảo kiến thức. Hết lớp 9 em đó vào lớp 10 và sau khi tốt nghiệp THPT em ấy đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

 

Còn câu chuyện của cô H’Tú Byă, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) lại kể về nỗ lực vượt khó của những giáo viên cắm bản. Cô H’Tú nguyên là Hiệu phó Trường Tiểu học Y Jút (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), đã từng có nhiều năm gắn bó với phân hiệu buôn Drang Phốk, một điểm dân cư nằm sâu trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Cô H’Tú cho biết: Học sinh ở đây hầu hết là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em thiếu quần áo, sách vở, giày dép… nên thường nghỉ học ở nhà đi làm rẫy với bố mẹ. Học sinh nghỉ học ở nhà thì không thể tiếp thu bài mới, nhưng quan trọng hơn cả là không được giao tiếp với bạn bè, thầy cô để rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt - chìa khóa giúp tiếp thu kiến thức các môn học khác. Vì vậy nhà trường xác định phải bằng mọi cách động viên các em đến lớp và dành thời lượng cho rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong các buổi học. Các cô giáo đã góp tiền lương để hỗ trợ các em; đến tận gia đình tìm hiểu hoàn cảnh, giải thích để phụ huynh tạo điều kiện cho con đến lớp; rồi tranh thủ thời gian rỗi kèm cặp thêm cho các em. Nhà trường bố trí các giáo viên trẻ chưa vướng bận gia đình để toàn tâm toàn ý giúp đỡ các em. Phương châm của nhà trường là kiên quyết không cho lên lớp đối với những học sinh không đủ điều kiện, vì không tiếp thu được kiến thức lớp dưới thì làm sao tiếp thu kiến thức lớp trên. Có thời điểm học sinh phải lưu ban nhiều, thành tích thi đua bị ảnh hưởng, các cô giáo cũng rất buồn nhưng không thể khác được vì chất lượng học sinh phải đặt lên đầu tiên.

Mong sao có thật nhiều những câu chuyện đẹp về trách nhiệm, tấm lòng của người thầy đối với học sinh, để nhà trường thực sự là nơi mang đến ánh sáng tri thức chứ không phải là những con số “đẹp” về tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp nhưng lại có những học sinh “ngồi nhầm lớp” mà tương lai mù mịt đang chờ phía trước.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.