Để cơ hội giáo dục không còn là chuyện may rủi
Câu chuyện cha mẹ phải bốc thăm, trông chờ may rủi để cho con được vào học mầm non công lập ở Hà Nội gây “xôn xao dư luận” trong những ngày qua. Hẳn nhiên, vấn đề “bốc thăm chỗ học” đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều và cũng đã xuất hiện các cuộc tranh luận trong việc nhìn nhận sự việc cũng như tìm kiếm giải pháp.
Vấn đề rất rõ ràng khi mà nhà quản lý cho biết, số trẻ đăng ký học tại trường nhiều gấp đôi so với khả năng tiếp nhận của trường. Với số lượng người đăng ký nhiều gấp đôi số có thể tuyển thì việc phải chọn hình thức nào đó để tuyển chọn là chuyện đương nhiên. Trong khuôn khổ của một ngôi trường mầm non, việc bốc thăm trong tuyển sinh có thể là giải pháp ít tiêu cực nhất dù rằng phương án này đang bị coi là “phản cảm”.
Phụ huynh Hà Nội bốc thăm giành suất cho con vào mầm non công lập. Ảnh: Báo Lao Động |
Điều 14, Luật Giáo dục 2019 có quy định: "Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc". Như vậy, pháp luật đã quy định mọi trẻ em đều được quyền đến trường, quyền học tập, được giáo dục và Nhà nước mọi tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường. Nhưng tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập vẫn diễn ra thì vấn đề đã không còn là của riêng một ngôi trường hay của ngành giáo dục nữa mà trở thành vấn đề xã hội.
Quy định phổ cập giáo dục đang gặp phải những khó khăn gì trong việc đáp ứng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là câu hỏi lớn mà những nhà hoạch định chính sách cần trả lời. Trong bối cảnh hiện nay, việc thống kê chính xác về phát triển nhà ở, về mật độ dân cư, về dân số và trẻ em trở nên cấp thiết để giải quyết bài toán “quá tải” trong giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc