Lớp học đặc biệt ở Ea Pil
Tại thôn 8, xã Ea Pil (huyện M’Drắk), hiện có một lớp học đặc biệt được mở vào buổi tối. Gọi là lớp học đặc biệt bởi 100% học viên là người dân tộc Tày, Nùng, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có những học viên tóc đã điểm bạc.
Trong lớp học, ngoài thầy giáo và học viên còn có đội ngũ Ban tự quản thôn, lực lượng đoàn viên luân phiên đến lớp hỗ trợ học viên trong quá trình tiếp thu bài vở.
Ông Lý Bình Dương, Bí thư Chi bộ thôn 8 cho hay, thôn có gần 100% dân số là người dân tộc từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, trình độ dân trí thấp, nhiều người còn chưa biết chữ. Ý tưởng mở lớp học đặc biệt này được ông ấp ủ từ nhiều năm trước nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhiều lần kế hoạch mở lớp đều phải tạm dừng. Mãi đến ngày 21/8/2022 thì Đoàn cơ sở Trường THPT Nguyễn Tất Thành phối hợp với Đoàn xã Ea Pil mới mở được lớp xóa mù chữ dành cho người dân tại thôn 8 vào các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần.
Giờ luyện viết của học viên cùng sự hỗ trợ của giáo viên, cán bộ đoàn và Ban tự quản thôn 8, xã Ea Pil. |
Hiện lớp học có 22 học viên đều là những lao động chính của các gia đình, ban ngày bộn bề với công việc đồng áng, việc gia đình, tối đến mới tranh thủ thời gian đi học. Học viên trẻ nhất 32 tuổi, lớn nhất 56 tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng điểm chung ở họ là mong muốn biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản, có thêm kiến thức, kỹ năng sống. Lớp học mới mở gần 1 tuần, nhưng các học viên tiếp thu khá tốt. Một số học viên đã nhận diện được hết bảng chữ cái.
Chị Nguyễn Thị Bắc (47 tuổi) sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông con, thất học ở bản Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1994, chị Bắc cùng gia đình đi kinh tế mới tại thôn 8 (xã Ea Pil), quanh năm quần quật với nương rẫy, với việc nhà lại không biết đọc, biết viết, tính toán, khiến chị phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Ngày lớp học xóa mù chữ dành cho người dân ở thôn được tổ chức, ước mơ cầm cuốn sách để đọc, cầm cây bút viết chữ của chị Bắc cũng như nhiều người dân ở đây đã dần trở thành hiện thực. Tối đến, chị Bắc tranh thủ hoàn tất công việc đồng áng, rồi chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập để đến lớp học, hôm nào không đến lớp học, với kiến thức thầy đã dạy, chị tranh thủ học cùng các con.
Cũng như chị Bắc, đối với anh Triệu Văn Đào (47 tuổi) dù ban ngày vất vả mưu sinh, nhưng đến tối, đúng 19 giờ 30, anh cùng tất cả học viên đều có mặt đông đủ tại điểm trường thôn 8 (Trường Tiểu Lê Hồng Phong) để học chữ. Anh Đào chia sẻ: “Học chữ với mình khó hơn đi cày, nhưng phải cố gắng vì biết đọc, biết viết thì cuộc sống đỡ khổ cực hơn, biết được nhiều cái hay hơn”. Ngày còn nhỏ, vì nhà nghèo, lại là anh lớn trong nhà nên anh Đào phải phụ cha mẹ lao động, nuôi các em. Sau khi lập gia đình riêng, cuộc sống có lúc chật vật nhưng anh vẫn luôn quan tâm đầu tư việc học cho các con đến nơi đến chốn. Hiện tại 4 người con của anh đều đang theo học tại các trường trên địa bàn huyện, cũng là lúc anh thực hiện ước mơ đi tìm con chữ của mình.
Anh Triệu Văn Đào chăm chú luyện viết chữ tại lớp học. |
Thầy Vũ Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành kể: Ngày mới đi học, hầu hết các học viên rất rụt rè, ngại phát biểu. Những bàn tay hằng ngày quen cầm cuốc, cầm dao đi làm nương, làm rẫy của học viên lại rất gượng gạo khi cầm bút. Nhưng giờ đây, nhiều học viên đã tự tin, mạnh dạn xung phong lên bảng, đọc tốt, viết tốt. Để các mẹ, các anh, chị nhanh biết đọc, biết viết, thầy Ánh đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy phù hợp, cũng như phối hợp với Ban tự quản thôn, đoàn thể địa phương huy động thêm sách vở, dụng cụ học tập để hỗ trợ học viên có thêm điều kiện học tập. Bản thân thầy Ánh mỗi buổi tối phải đi hơn 25 km để đến điểm trường lên lớp. Vất vả là vậy nhưng thầy rất vui, nhất là khi các học viên ngày càng tiến bộ.
Lớp học đặc biệt tại thôn 8 xã Ea Pil, huyện M’Drắk dự kiến kết thúc vào tháng 11/2022, khi các học viên đã biết đọc, biết viết và làm thành thạo các phép tính đơn giản. Sau đó, Đoàn thanh niên xã tiếp tục phối hợp với một số giáo viên địa phương mở lớp học nâng cao để bà con được tiếp cận, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất nếu học viên có nhu cầu học tập; mở thêm lớp học xóa mù chữ cho người dân một số thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc