Multimedia Đọc Báo in

Để giảm gánh nặng chi phí mua sách giáo khoa cho phụ huynh

08:59, 15/10/2022

Chi phí mua sách giáo khoa cho học sinh mỗi năm học mới là gánh nặng của không ít phụ huynh, nhất là những gia đình có 2 hoặc 3 con cùng đi học.

Mấy năm gần đây, do Bộ GD-ĐT đang thực hiện việc thay sách theo hình thức cuốn chiếu (năm học 2022 - 2023 thay sách lớp 3, 7, 10), việc chọn sách của các trường trong cùng một địa bàn có thể không giống nhau do áp dụng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” nên phương án sử dụng sách cũ không/khó khả thi.

Vài trăm nghìn đồng cho một bộ sách giáo khoa với những phụ huynh có điều kiện khá giả chẳng có nghĩa lý gì, nhưng đối với nhiều gia đình thu nhập chỉ ở mức trung bình thì lại là số tiền không nhỏ.

Bởi đầu năm học có hàng trăm thứ phải chi tiêu, mỗi thứ một ít, cộng dồn lại cũng đến cả tiền triệu: tiền đồng phục, giày dép, cặp, tập vở, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, các loại quỹ có tên và không tên, có hóa đơn và không hóa đơn…

Vì vậy, chắc hẳn có không ít phụ huynh vui mừng khi biết thông tin Bộ GD-ĐT đề xuất phương án Nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho 70% học sinh mượn, với kinh phí dự kiến lần đầu khoảng 3.500 tỷ đồng, và hàng năm sẽ bổ sung khoảng 20%. Đề xuất này sẽ giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh học sinh và được đánh giá là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng ngoài việc nhà trường cho học sinh mượn sách giáo khoa thì vẫn có một cách làm khác vừa để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đó là không bắt buộc học sinh phải có đủ sách giáo khoa cho tất cả các môn học. Vì thực tế, sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện có một số sách mà trước đây chưa hề có nhưng học sinh lại gần như không/hiếm khi sử dụng. Điển hình là sách Giáo dục thể chất.

Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất.

Đầu năm học, theo thông báo của nhà trường, tôi mua đủ bộ sách giáo khoa trong đó có sách Giáo dục thể chất. Tuy nhiên, sau khi vào năm học mới được hơn 1 tháng, đến nay mỗi lần soạn sách vở cho buổi học hôm sau, nếu có tiết thể dục bé lớp 2 nhà tôi không chịu mang theo sách với lý do: “học ngoài sân trường, thầy không bảo mang sách, đem theo nặng cặp lắm”!

Trong khi đó, cô chị học lớp 7 cũng cho biết từ đầu năm đến giờ chưa một lần dùng đến sách Giáo dục thể chất, chỉ học ở ngoài sân trường. Giá của cuốn sách Giáo dục thể chất lớp 7 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) là 15.000 đồng, lớp 2 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) là 17.000 đồng. Tính số tiền của mỗi học sinh tiết kiệm được nếu không mua sách này là không nhiều nhưng tổng của hàng nghìn học sinh thì lại không hề nhỏ.

Vì vậy, từ thực tế sử dụng sách Giáo dục thể chất của học sinh, tôi cho rằng không nên bắt buộc tất cả học sinh phải mua hết cả bộ sách giáo khoa. Do đó, nếu có mua sách để cho 70% học sinh mượn thì cũng nên tính toán số đầu sách Giáo dục thể chất sao cho phù hợp và tiết kiệm nhất.

Mặt khác, đối với lớp 1, lớp 2, có một số môn học như Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, sách giáo khoa chủ yếu là hình ảnh, câu hỏi định hướng, lưu ý ngắn gọn. Học sinh lớp 1, 2, nhất là lớp 1 chưa đọc được nhiều chữ nên giáo viên thường giảng giải rất kỹ.

Nội dung các bài học cũng khá quen thuộc, gần gũi với đời sống hằng ngày nên các con dễ dàng tiếp thu. Nhiều trường ở thành phố, thị xã, thị trấn, phụ huynh đều góp tiền để mua ti vi trang bị trong lớp học và giáo viên trình chiếu bài giảng để dạy.

Do đó, ở những lớp học đã có ti vi thì việc học sinh có hay không có sách giáo khoa của những môn học này không ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập. Năm ngoái, do học online gần như hoàn toàn, lớp 1 của con tôi dành nhiều thời gian để học Toán, Tiếng Việt, môn Đạo đức chủ yếu học qua các video bài giảng cô giáo gửi. Xem các video ngắn này kết hợp với gợi ý của phụ huynh, các con cũng nắm được tinh thần chính của bài học.

Vì lẽ đó, thiết nghĩ nhà trường không nên yêu cầu học sinh phải mua tất cả sách giáo khoa mà nên chia thành 2 loại: bắt buộc phải có và không bắt buộc phải có, chỉ khuyến khích mua. Khi đó, phụ huynh sẽ tùy khả năng của mình để lựa chọn, quyết định mua hay không mua.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.