Multimedia Đọc Báo in

Thực hư tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm

10:00, 17/07/2023

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 10/7 tất cả thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023 trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Thí sinh có ba tuần (từ 8 giờ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7) để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống.

Đây chính là thời gian vô cùng quan trọng trong đợt xét tuyển đại học năm 2023 để các thí sinh cân nhắc, suy xét cẩn thận thêm một lần cuối cùng trước khi nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống.

Chọn ngành nào, trường nào để học phải là quyết định hết sức cẩn thận, bởi nếu chọn sai thì sẽ phải đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân và gia đình.

Trong giai đoạn quyết định này, thí sinh có khả năng bị nhiễu thông tin, nhất là những thông tin về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Thí sinh không nên quá tin tưởng vào những con số tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mà các trường đại học công bố, đặc biệt là những trường có kết quả “đẹp như mơ”: 100% sinh viên có việc làm!

Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tư vấn, tuyển sinh đại học năm 2023. Ảnh minh họa: Nguyên Thảo
Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tư vấn, tuyển sinh năm 2023 cho các em học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh minh họa: Nguyên Thảo

Vì sao lại không nên tin vào con số đẹp đến… vô thực đó? Vì căn cứ vào Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6) thì chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng của lĩnh vực đó đạt dưới 80%. Thông tư quy định các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Theo quy định này thì tỷ lệ sinh viên có việc làm quyết định chỉ tiêu tuyển sinh – “nồi cơm” của các trường.

Điều đó dẫn đến tình trạng: nhiều trường đại học công bố tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cao ngất ngưởng, thậm chí có trường tỷ lệ này lên đến 100% tất cả các ngành. Đơn cử như: Báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp khảo sát năm 2022 của Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho thấy tất cả 2.047 sinh viên 14 ngành đều có việc làm, đạt tỷ lệ 100%; Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cũng có 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm (trong số sinh viên phản hồi). Con số này của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là 97,31% (số liệu đã bao gồm chưa có việc làm vì phải học nâng cao); Trường Đại học Tài chính - Marketing là 92,65%; Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) là 92,84%.

Tuy nhiên, số liệu như vậy liệu có chính xác và có được cơ quan nào kiểm chứng độc lập không, có “vênh” với các số liệu công bố của các cơ quan chức năng không?

Kết quả thống kê của các trường tùy thuộc vào số sinh viên tham gia khảo sát, cách thức thống kê và quan điểm về thế nào là có việc làm của trường.

Thực tế, số mẫu khảo sát của các trường không đủ lớn nên không đủ bao quát số sinh viên đã tốt nghiệp và tỷ lệ phản hồi luôn rất thấp, chỉ trên một lượng mẫu nhỏ nhưng rồi kết luận 100% (trong số sinh viên phản hồi).

Ví dụ như khảo sát năm 2022, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã thu được ý kiến phản hồi của 1.038/3.341 sinh viên tốt nghiệp từ năm 2018 - 2022, đạt tỷ lệ 31,07%.

Thống kê khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, năm học vừa qua chỉ có 510/2.727 cựu sinh viên thực hiện khảo sát trên tổng số địa chỉ email đã gửi phiếu khảo sát, đạt tỷ lệ 18,70%. Điều đáng nói là, đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có giải pháp để kiểm chứng lại kết quả khảo sát của các trường đại học cho nên các con số 100% nói trên chính xác đến đâu thì chỉ các trường mới biết!

Ai cũng hiểu đòi hỏi 100% sinh viên ra trường có việc làm là điều không tưởng và không phải chỉ cần có bằng đại học là có việc. Do đó, thiết nghĩ trước mỗi mùa tuyển sinh, thí sinh cần được biết thông tin trung thực, chính xác để từ đó lựa chọn ngành và trường để theo học chứ không cần những con số “đẹp như mơ”.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.