Multimedia Đọc Báo in

Phân luồng để lựa chọn những con đường

07:59, 16/08/2023

Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ, ngày 21/6/2019 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025 (Kế hoạch 1541).

Phân luồng để cân đối cơ cấu lao động, nghề nghiệp

Mục tiêu kế hoạch là định hướng cho học sinh chủ động lựa chọn con đường tiếp tục học phổ thông hoặc học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo của lực lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho xã hội, hạn chế lãng phí về thời gian của học sinh, chi phí của gia đình và xã hội.

Học sinh huyện Krông Bông tham gia hoạt động hướng nghiệp tại Trường THCS Cư Drăm.

Đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương (các trường ở vùng đặc biệt khó khăn là 80%); 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ (vùng đặc biệt khó khăn là 80%); phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (vùng đặc biệt khó khăn là 30%); 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng (vùng khó khăn là 35%)...

Phân luồng theo khả năng của học sinh

Kế hoạch 1541 cũng nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt 25%. Như vậy, giai đoạn 2020 – 2025 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề từ 30 - 40%. Thực tế phân luồng qua kết quả tuyển sinh năm học 2023 – 2024 là 78% học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, 22% còn lại học văn hóa kết hợp với học nghề theo định hướng chung; con số này thấp hơn so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Thực tế đó cho thấy, muốn hướng nghiệp hiệu quả cần có sự thông tin, tương tác và kiện toàn hơn nữa cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác đào tạo nghề trên địa bàn.

Hiện tại, việc học sinh sau tốt nghiệp THCS lựa chọn học lên THPT hay học nghề là điều không hề dễ, bởi được học tiếp lên THPT luôn là điều mong mỏi của học sinh cũng như phụ huynh. Đa số phụ huynh có tâm lý không muốn con mình làm thợ và vẫn cho rằng học đại học là con đường duy nhất để thành công, mà không xét đến những áp lực học sinh phải chịu nếu không theo đuổi được chương trình THPT.

Học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp trong ngày tốt nghiệp.

Mặt khác, nhiều phụ huynh lâu nay vẫn nghĩ là nếu con không đỗ các trường THPT công lập thì có thể theo học các trường tư thục. Tuy nhiên, có một thực tế là vào học trường tư thục lại khó hơn nhiều so với học trường công lập. Bởi, trên lý thuyết các cơ sở giáo dục tư thục tuyển sinh theo kế hoạch riêng của nhà trường và phù hợp với kế hoạch, chỉ tiêu được giao nhưng hầu hết đều có sự kiểm tra, đánh giá đầu vào trước khi tiếp nhận học sinh.

Thiết nghĩ, để công tác phân luồng hiệu quả, ngoài tăng cường công tác thông tin về ngành nghề, nhu cầu lao động, khai thác thế mạnh, phát triển bản thân cho mỗi học sinh… còn phải có sự thay đổi của cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Bởi, công tác đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động nên việc thu hút học sinh vào các trường nghề còn thấp; địa chỉ đầu ra trong đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; chưa kể nhiều sinh viên học nghề xong vẫn phải tham gia đào tạo lại ở môi trường khác mới có thể làm việc tại các doanh nghiệp…

Thanh Trúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.