Multimedia Đọc Báo in

Những "nhà sáng chế" tuổi học trò

08:27, 10/12/2023

Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI, năm 2023 (gọi tắt là Cuộc thi), huyện Krông Năng có hai nhóm tác giả có mô hình, ý tưởng tham gia đạt kết quả cao, đặc biệt là các ý tưởng đều khởi nguồn từ tình hình thực tế ở địa phương.

Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ

Đề tài "Nghiên cứu và chế tạo đất nén hữu cơ từ vỏ sầu riêng" của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thế Hải (Trường THPT Nguyễn Huệ, xã Ea Toh) xuất phát từ tình hình thực tế là sầu riêng vào mùa thu hoạch được tách múi sơ chế, còn vỏ thì đổ bỏ, thải ra môi trường một lượng rác khá lớn, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa bỏ phí phế phẩm. Trong khi đó, hiện nay nhiều gia đình sống ở khu vực đô thị có nhu cầu trồng rau sạch trên một diện tích nhỏ, rất cần một loại đất phù hợp.

Em Nguyễn Xuân Thắng (bên phải) và Nguyễn Thế Hải với Dự án "Nghiên cứu và chế tạo đất nén hữu cơ từ vỏ sầu riêng".

Ban tổ chức Cuộc thi đánh giá, đề tài của Thắng và Hải có tính ứng dụng cao vào thực tế. Vỏ sầu riêng sau khi thu gom, được xử lý qua nhiều công đoạn, cuối cùng ép thành viên nén. Đây là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, có độ dinh dưỡng cao, giúp các loại cây trồng ngắn ngày như các loại rau phát triển nhanh và sớm cho sản phẩm để sử dụng. Quan trọng hơn là đã tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp rất lớn từ trái sầu riêng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chung niềm đam mê tìm tòi sáng tạo, hai cô học trò nhỏ Thùy Lan Phương và Phan Quỳnh Trâm (Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang) đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài sản phẩm trà túi lọc được sản xuất từ nấm linh chi, la hán quả và mật ong. Theo chia sẻ của Lan Phương, gia đình em có truyền thống làm và sử dụng các loại trà được chế xuất từ thảo dược như nấm hay la hán quả. Bên cạnh đó, tại địa phương cũng có Hợp tác xã trồng nấm Tâm Đức, vì vậy em đã thử sức nghiên cứu và thực hiện chế biến loại sản phẩm này, hướng đến lợi ích về sức khỏe cho người dùng.

Chung tay vun đắp ý tưởng sáng tạo

Để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, cùng với sự nỗ lực của các tác giả, còn phải kể đến sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực của gia đình, thầy cô, bạn bè…

Xuân Thắng và Thế Hải cho hay, nhóm phải đầu tư khá nhiều thời gian và công sức để thực hiện đề tài. Ngoài những kiến thức trong nhà trường các em phải tìm đọc, nghiên cứu thêm thông tin từ nhiều nguồn tài liệu. Trong quá trình thực hiện, các em gặp không ít khó khăn, thất bại, nhưng may mắn là luôn nhận được sự động viên, quan tâm hướng dẫn tận tình, kịp thời của giáo viên và nhà trường. Là người hướng dẫn trực tiếp nhóm tác giả thực hiện đề tài, thầy Nguyễn Viết Sinh, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Nguyễn Huệ cho hay, ý tưởng của các em được nhà trường tích cực ủng hộ và tạo điều kiện để hoàn thành, ngoài hướng dẫn kiến thức còn hỗ trợ kinh phí thực hiện. Đây là năm đầu tiên trường có học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng và đạt kết quả đáng phấn khởi: giải Nhì cuộc thi cấp tỉnh, giải Khuyến khích cuộc thi cấp toàn quốc.

Em Nguyễn Thùy Lan Phương (Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang) và mẹ tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI, năm 2023.

Ở độ tuổi thiếu nhi, nhóm tác giả Lan Phương và Quỳnh Trâm được gia đình hỗ trợ đắc lực để thực hiện đề tài. Chị Hoàng Bích Lợi, mẹ của Lan Phương bày tỏ: “Khi con có ý tưởng, tôi đã hỗ trợ các con thực hiện, từ khâu chọn nấm, đến các công đoạn sấy, rang, xay nguyên liệu…”. Theo chị thì công đoạn quan trọng và khó nhất là đem vật phẩm đi kiểm nghiệm xem có đạt chất lượng không, đó cũng chính là tiêu chí của sản phẩm. Lần đầu tiên tham dự Cuộc thi, đề tài “Sản xuất trà túi lọc từ nấm linh chi, la hán quả và mật ong” của nhóm tác giả nhỏ tuổi đã đoạt giải Ba. Điều quan trọng là qua Cuộc thi, các em đã rèn luyện được nhiều kỹ năng như thuyết trình, đứng trước đám đông, làm việc có kỷ luật, quy trình…

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.