Nỗi buồn đau của mối quan hệ thầy trò
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi trên mạng xã hội lan truyền clip một nhóm học sinh có những hành động xúc phạm, tấn công một cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang. Đây là những hình ảnh có thể nói là không thể tưởng tượng được diễn ra trong môi trường giáo dục.
Ở đây không nói đến nguyên nhân, chuyện đúng - sai trong sự việc đáng buồn này. Bởi trong thực tế, những chuyện như vậy dường như đang trở nên ngày một phổ biến, khác chăng là ở biểu hiện và sức lan tỏa của mỗi sự việc mà thôi. Vấn đề đặt ra là tại sao những sự việc đáng buồn ấy lại đang trở nên phổ biến trong môi trường mà đáng ra nó phải rất chuẩn mực?
Sự tương tác, ứng xử phù hợp giữa thầy với trò sẽ góp phần tạo nên môi trường giáo dục chuẩn mực. (Trong ảnh: Tiết học Địa lý tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, TP. Buôn Ma Thuột). |
Nhiều người cho rằng, đó là hệ quả tất yếu của cả quá trình giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội. Cũng có người cho rằng, đó là hệ lụy của sự du nhập những biện pháp, giá trị giáo dục đề cao tính phản biện, "lấy học sinh làm trung tâm" mà ngành giáo dục đang theo đuổi, nhưng theo một cách “nửa vời”. Nhưng, dù có vì nguyên nhân gì đi nữa thì sự việc này vẫn là câu chuyện rất buồn đối với ngành giáo dục tỉnh ấy nói riêng, ngành giáo dục cả nước nói chung khi mà mối quan hệ thầy – trò đang có ngày một mất đi giá trị vốn có của nó, nếu không muốn nói là giá trị cốt lõi của mối quan hệ này đang “xuống cấp” một cách trầm trọng.
Khi trao đổi với một số người làm công tác giáo dục lâu năm, họ cho rằng giá trị tốt đẹp của mối quan hệ thầy – trò đang mất đi là bởi “thầy không ra thầy”, “trò không ra trò”. Ngoài những trường hợp “thầy không ra thầy” theo nghĩa “không ra gì” là rất cá biệt, thì “thầy không ra thầy” theo nghĩa chưa phát huy hoặc không phát huy hết giá trị của người thầy là rất đáng suy nghĩ.
Trên thực tế, “thầy không ra thầy” theo nghĩa thứ hai đang cực kỳ phổ biến, bởi những áp lực xã hội đối với đội ngũ thầy cô giáo là rất lớn. Trong bối cảnh mà bất kỳ một động thái nhỏ nào của giáo viên không làm hài lòng học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng có thể bị “bêu” lên mạng xã hội thì “cái uy” cần có của người đứng trên bục giảng sẽ rất khó thể hiện được.
Cùng với đó, không ít bậc phụ huynh tự cho mình cái “quyền giám sát” giáo viên một cách thái quá. Điều này không chỉ dẫn đến suy nghĩ, hành động lệch lạc của học sinh đối với thầy cô giáo của mình mà chính đội ngũ giáo viên cũng phải “cảnh giác” khi đứng trên bục giảng. Cách tiếp cận từ cả hai phía như thế ắt sẽ dẫn đến sự đổ vỡ chuẩn mực cần có trong mối quan hệ tốt đẹp thầy – trò.
Còn nhớ tại Hội thảo giáo dục năm 2021 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, có một nhà khoa học, một người có trách nhiệm đối với ngành giáo dục cho rằng "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao chữ “Lễ” để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển".
Từng có những lối tư duy như thế, nhất là từ những người có trách nhiệm, hỏi sao môi trường giáo dục hiện nay không bộc lộ nhiều vấn đề nhức nhối, đáng buồn? Chữ “Lễ” của giáo dục hiện đại phải được hiểu là đạo đức, ứng xử trong xã hội, không chỉ là ứng xử giữa con người với con người mà còn là ứng xử của con người với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Thế nên, nếu không muốn có thêm những "thất bại" của mối quan hệ thầy trò như sự việc tại Tuyên Quang, thiết nghĩ việc trả lại đúng vị trí của thầy, của trò bằng những chính sách, quy chuẩn, biện pháp phù hợp là hết sức cấp thiết.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc