Thầy giáo “mát tay” bồi dưỡng học sinh giỏi
Không chỉ năng nổ, nhiệt tình, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, thầy Hồ Sỹ Lý, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) còn rất “mát tay” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Gần 15 năm công tác tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành thì có hơn 10 năm thầy Hồ Sỹ Lý được giao nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn.
Với sự tận tâm và nhiệt huyết, thầy Lý luôn trau dồi, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ từ đồng nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và tìm tòi những hình thức, phương pháp dạy mới phù hợp với nội dung từng bài giảng, nhằm tạo cảm hứng và phát huy tính tự học, sáng tạo của học sinh.
Thầy còn đầu tư nhiều thời gian tìm tòi các tư liệu, tham khảo nhiều tài liệu nâng cao để chọn lọc, soạn thảo nội dung chương trình bồi dưỡng, dẫn dắt học sinh từ những kiến thức cơ bản của chương trình học chính khóa, tiến dần tới chương trình nâng cao và chuyên sâu…
Nhờ đó, nhiều học sinh đã dần bộc lộ được tố chất, năng lực và niềm đam mê môn Ngữ văn, ghi được dấu ấn ấn tượng trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp…
Thầy Hồ Sỹ Lý trong giờ lên lớp. |
Hơn 10 năm được giao nhiệm vụ tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, hầu như năm nào đội tuyển do thầy Hồ Sỹ Lý bồi dưỡng đều có học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, trong đó có nhiều em đạt giải Nhất, Nhì, Ba, góp phần đưa chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường vượt lên trong tốp đầu của huyện. Riêng trong 3 năm học gần đây (2020 – 2021, 2021 – 2022 và 2022 – 2023), đã có 16 em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, với 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 3 giải Ba (có 4 học sinh giỏi cấp tỉnh gồm: 3 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích).
Thầy Lý chia sẻ: “Bồi dưỡng học sinh giỏi là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của cả thầy và trò. Ban đầu phải phát hiện được những học sinh có tố chất và niềm đam mê; từ đó, tùy vào năng lực và sở trường của mỗi em sẽ áp dụng những phương pháp bồi dưỡng phù hợp để nâng cao kiến thức; không áp đặt học theo khuôn mẫu mà hướng đến việc phát triển tư duy, sáng tạo và tự giác học tập của học sinh”.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc