Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar “bắt nhịp” chuyển đổi số trong giáo dục

07:35, 19/03/2024

Để đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), các trường học trên địa bàn huyện Ea Kar đã chủ động triển khai công tác quản lý giáo dục và giảng dạy trên nền tảng số, tiến tới thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Giờ học môn tiếng Anh của lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Khuyến (thị trấn Ea Kar) diễn ra sôi nổi, hào hứng. Các học sinh của lớp được chia thành 11 nhóm, mỗi nhóm có một học sinh được mang máy vi tính xách tay đến lớp để sử dụng trong giờ học.

Bài học được giáo viên biên soạn bằng các phần mềm với âm thanh, hình ảnh minh họa sống động. Các từ, cấu trúc câu được truyền đạt thông qua từng câu đố, trò chơi vừa giúp học sinh làm quen với công nghệ thông tin, các hình thức thi online, vừa dễ ghi nhớ nội dung bài học.

Giờ học môn tiếng Anh của học sinh lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Khuyến (thị trấn Ea Kar).

Trường THCS Nguyễn Khuyến hiện có 16 lớp với 680 học sinh. Mỗi lớp đều được trang bị ti vi có kết nối mạng Internet. Từng cán bộ, giáo viên cũng tự trang bị thêm máy vi tính xách tay phục vụ việc giảng dạy. Hầu hết các môn học như: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, các môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều được các giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Giáo viên bộ môn cũng giao cho học sinh làm việc theo nhóm để soạn nội dung bài học hoặc làm bài tập bằng powerpoint và thuyết trình trước lớp. Nhờ vậy, học sinh hào hứng trong giờ học, dễ tiếp thu bài và có thêm nhiều kỹ năng mềm.

 

Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đến nay, 80% học sinh tiểu học, THCS và 100% học sinh phổ thông trên địa bàn huyện đã được học môn Tin học; 100% cơ sở giáo dục của huyện đã xây dựng, sử dụng hiệu quả kho học liệu trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, số hóa hồ sơ, quản trị trường học.

Thầy Lại Cao Đằng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến cho biết, để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Cùng với trang bị cơ sở vật chất, nhà trường tăng cường tổ chức tập huấn, thực hiện số hóa hồ sơ, tin học hóa quy trình quản lý, sử dụng phầm mềm Office 365 và MS Teams trong giảng dạy.

Nhà trường động viên giáo viên tự học và đăng ký tham gia sinh hoạt với “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam”, “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Tây Nguyên” nhằm nâng cao năng lực công nghệ số.

Học sinh được khuyến khích đồng hành cùng giáo viên tham gia các cuộc thi như: Thiết kế sơ đồ trường học, My Moon Night – Trung thu cho em, Viết về thầy cô và mái trường bằng hình thức trực tuyến. Nhờ vậy, Trường THCS Nguyễn Khuyến là đơn vị dẫn đầu chất lượng giáo dục mũi nhọn và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục của huyện, nhiều học sinh đoạt giải cấp tỉnh và quốc gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, Olympic tiếng Anh trên Internet, Violympic Toán, Vật lý...

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh của Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Ea Kar).

Năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT huyện Ea Kar có 80 trường, một trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với gần 38.000 học sinh các cấp. Thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, đặc biệt là Nghị quyết số 16/NQ-HĐND, ngày 22/7/2022 của HĐND huyện về Đề án ba khâu đột phá trong ngành GD-ĐT, trong đó có đột phá về công nghệ thông tin.

Đây chính là “kim chỉ nam” để ngành GD-ĐT huyện thực hiện chuyển đổi số. Từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa, huyện đã đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin cho các trường; xây dựng kho học liệu số và hỗ trợ giáo viên khai thác học liệu điện tử trên Internet; tổ chức tập huấn và cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử - xây dựng thiết bị dạy học số; trang bị sim chữ ký số cho các trường học; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số; ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý.

Thầy Phùng Văn Chang, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar đánh giá: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành của các trường học. Giáo viên và học sinh phát huy tinh thần tự học, tư duy sáng tạo, tận dụng được thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.