Multimedia Đọc Báo in

Tạo giá trị tăng thêm cho bản thân!

11:15, 17/03/2024

Với việc phát triển hệ thống trường đại học, cao đẳng cùng phương thức tuyển sinh đa dạng như hiện nay, chỉ cần tốt nghiệp THPT, với mức điểm và một số tiêu chí phụ cần thiết là thí sinh có thể cân nhắc, lựa chọn cho mình một trường đại học, cao đẳng phù hợp.

Đầu vào dễ dàng giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình học và gia tăng sự cạnh tranh việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 diễn ra tại Trường Đại học Tây Nguyên mới đây, các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước đã cập nhật nhiều thông tin liên quan, giải đáp các thắc mắc về định hướng chọn ngành, chọn nghề trong tương lai, giúp các bạn học sinh xác định được ngành, trường phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, điều kiện gia đình cũng như nhu cầu xã hội.

Cùng với sự chuyển biến của đời sống xã hội, định hướng chọn ngành, chọn nghề cũng có những thay đổi. Trước mối quan tâm của đông đảo thí sinh là học ngành nào khi ra trường dễ tìm được việc làm, các chuyên gia lưu ý, với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, trong khoảng 5 - 10 năm tới sẽ có nhiều nghành nghề mới ra đời, cũng như nhiều ngành nghề “biến mất”.

Tư vấn, hướng nghiệp vào các trường học trong Quân đội cho học sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Song Quỳnh
Tư vấn, hướng nghiệp vào các trường học trong Quân đội cho học sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Song Quỳnh

Do đó, quan trọng không phải học trường nào, ngành nào, mà quan trọng là học như thế nào để có thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu, tính chất, nhu cầu công việc sau này.

Các trường đại học đã có sự thay đổi giáo trình để sinh viên có phương pháp học chủ động hơn, học tư duy, phản biện và giải quyết vấn đề. Việc học cũng có những tiện lợi nhất định với vô vàn ứng dụng công nghệ, công cụ tìm kiếm kiến thức trên Internet.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kiến thức nền, muốn mang lại giá trị thực tế đòi hỏi người học cần có trách nhiệm với việc học của mình, tự học, tự nghiên cứu, tích lũy tri thức. Ngoài ra, còn phải tự rèn cho mình kỹ năng mới, hay còn gọi là học tập suốt đời. Học cách học một kỹ năng mới trở thành giải pháp tạo ra giá trị tăng thêm cho bản thân, để đảm bảo luôn có tính cạnh tranh trên thị trường lao động.

Cùng với đó là kỹ năng giao tiếp, và khả năng phản ứng với tình huống bất ngờ, thường được gọi là “tình huống ngoài kịch bản”. Thực tế cuộc sống, công việc luôn có thể nảy sinh vô vàn tình huống bất ngờ, đòi hỏi phải vận dụng kiến thức sẵn có của chính bản thân để xử lý chứ không phần mềm công nghệ nào có thể thay thế được.

Kỹ năng giao tiếp và khả năng ứng biến không phải là thứ cần phải đi học ngành nào, trường gì, mà có thể tự quan sát, học hỏi và trực tiếp thực hành qua cuộc sống hằng ngày.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp cũng là điều cần lưu tâm, nhất là phù hợp với năng lực, sở trường. Trong xu hướng phát triển công nghệ, lĩnh vực công nghệ được quan tâm, kỳ tuyển sinh năm 2024 một số trường đại học đã mở thêm ngành mới trong lĩnh vực này.

Tư vấn cho học sinh về ngành nghề mới, chuyên gia cũng lưu ý cần có sự cân nhắc giữa xu hướng xã hội và tố chất của bản thân, giữa sự yêu thích và trào lưu "đám đông" nhất thời; nếu thực sự yêu thích thì phải xác định tố chất, tính cách của bản thân có phù hợp không; học lực, tố chất, năng khiếu có đáp ứng được đòi hỏi để có thể học tốt các ngành mới hay không?...

Sự lựa chọn đúng góp phần tích cực trong phát huy năng lực, tạo giá trị tăng thêm cho bản thân để thích ứng yêu cầu công việc trong thời đại công nghệ số.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc