Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội và trải nghiệm hữu ích từ môn tiếng Pháp

08:59, 19/05/2024

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh trung học được lựa chọn thêm ngoại ngữ 2 để theo học tại các cơ sở giáo dục.

Do đó, ngành giáo dục đang tích cực triển khai dạy học môn tiếng Pháp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu học tập của học sinh.

Thêm trải nghiệm với môn tiếng Pháp

Tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột), môn tiếng Pháp được giảng dạy dưới hai hình thức là Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2. Cụ thể, lớp Ngoại ngữ 1 dành cho những học sinh theo học môn tiếng Pháp từ bậc tiểu học thuộc Chương trình tăng cường tiếng Pháp của Bộ GD-ĐT; Ngoại ngữ 2 dành cho học sinh học tiếng Pháp từ lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Nguyễn Thị Linh Giang, giáo viên Trường THPT Buôn Ma Thuột hướng dẫn học sinh thực hành giao tiếp bằng tiếng Pháp.

Việc học tiếng Pháp dưới dạng môn học mới – Ngoại ngữ 2 ở bậc THPT đã đem đến những kiến thức, trải nghiệm thú vị cho học sinh. Em Cao Thị Hoài An, lớp 10A6 (Trường THPT Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Khi mới bắt đầu năm học, em thấy tiếng Pháp khó hiểu và khó nói, những từ mới cũng như các quy tắc ngữ pháp rất phức tạp. Dần dần, dưới sự chỉ dạy tận tình của cô giáo, em đã học được rất nhiều từ vựng và cấu trúc câu, có thể đọc hiểu những văn bản đơn giản và trò chuyện ngắn về cuộc sống hằng ngày. Bây giờ, em rất thích học tiếng Pháp cùng bạn bè và cảm thấy thoải mái hơn với ngôn ngữ này”.

 

Từ năm học 1994 -1995, tỉnh Đắk Lắk được Bộ GD-ĐT chọn tham gia chương trình “Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp”. Hiện tại, tiếng Pháp đang trở thành môn Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 tại một số cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột: Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường THCS Phan Chu Trinh, Trường THPT Buôn Ma Thuột, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du.

Tương tự, em Trần Thị Hồng Nhung, lớp 10A12 học khá vững tiếng Anh và lựa chọn học tiếng Pháp dưới dạng Ngoại ngữ 2 vì thích học ngoại ngữ. “Em được ba mẹ động viên xét tuyển vào lớp có dạy học Ngoại ngữ 2 – tiếng Pháp tại Trường THPT Buôn Ma Thuột, bởi vì tiếng Pháp ít bị cạnh tranh, việc học tiếng Pháp sẽ đem đến những cơ hội mới trong lựa chọn nghề nghiệp, việc làm tương lai. Em sẽ cố gắng học thật tốt để thi và lựa chọn du học Pháp”, Hồng Nhung bộc bạch.

Cô Nguyễn Thị Linh Giang, giáo viên môn tiếng Pháp (Trường THPT Buôn Ma Thuột) cho biết, ở dạng Ngoại ngữ 2, tiếng Pháp là môn học mới của học sinh. Các em sẽ học từ đầu theo bộ sách Netado của Bộ GD-ĐT với chương trình học khá nhẹ nhàng. Chỉ cần chú tâm học tập tại lớp, học sinh có thể đạt được điểm số cao; đây sẽ là lợi thế trong đánh giá kết quả học tập chung của cả năm học và khen thưởng cuối năm. Điều này sẽ tạo động lực và sự hứng thú cho học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Rộng đường học tập

Ngôn ngữ là một phần của văn hóa và văn hóa được phản ánh qua ngôn ngữ. Cô Huỳnh Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột cho hay: “Tiếng Pháp là môn học được nhà trường giảng dạy hơn 20 năm nay theo hệ 10 năm. Từ năm học 2023 – 2024, trường bắt đầu triển khai dạy môn tiếng Pháp dưới dạng Ngoại ngữ 2 ở hai lớp với 80 học sinh theo học. Nhà trường dự định hợp tác với các trường phổ thông ở Pháp để tổ chức “Chương trình trao đổi học sinh” nhằm tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm văn hóa, giúp các em mở rộng tầm nhìn và yêu thích môn học hơn”.

Học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột thực hành giao tiếp bằng tiếng Pháp tại lớp.

Học một ngôn ngữ mới là trở thành một con người mới, có thể nói được hai hay nhiều ngoại ngữ sẽ là lợi thế rất lớn trong mọi phương diện của cuộc sống. Nắm bắt xu thế này, người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc học ngoại ngữ và Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo triển khai việc dạy nhiều ngoại ngữ trong trường học. Trong công văn chỉ đạo triển khai dạy học các môn ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông việc dạy và học ngoại ngữ tại các trường phổ thông; chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh và cha mẹ học sinh; tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án, kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm (giáo viên, cơ sở vật chất, kinh phí, phương án tuyển sinh...) để tổ chức thực hiện dạy học các môn ngoại ngữ trên địa bàn theo quy định…

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh phải học môn bắt buộc là Ngoại ngữ 1 và môn tự chọn là Ngoại ngữ 2. Việc lựa chọn môn Ngoại ngữ 2 để dạy học phụ thuộc vào nguyện vọng của học sinh và điều kiện về đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất của nhà trường.

Những năm qua, Sở GD-ĐT luôn quan tâm và tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học môn tiếng Pháp (môn Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2) như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; giáo viên thiết kế nhiều hoạt động giáo dục thú vị và sử dụng tài liệu học tập phong phú như hình ảnh, video và trò chơi… Các em có thể học tiếng Pháp xuyên suốt từ cấp tiểu học lên THCS và THPT. Sở GD-ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp tiếng Pháp cấp THCS để đánh giá toàn diện về việc dạy và học tiếng Pháp cấp THCS; tổ chức kiểm tra môn tiếng Pháp tập trung ở học kỳ II theo đề kiểm tra chung của Bộ GD-ĐT cho học sinh lớp 12 các lớp tăng cường tiếng Pháp cấp THPT…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc