Multimedia Đọc Báo in

Nhớ thời làm công tác giáo dục ở chiến khu

14:36, 30/05/2024

Ký ức những ngày tham gia làm công tác giáo dục ở Đắk Lắk trong những năm chống Mỹ cách đây hơn nửa thế kỷ luôn khắc sâu trong trí nhớ tôi, mỗi lần nhắc lại đều bùi ngùi xúc động.

Năm 1965, sau khi đơn tình nguyện đi B được chấp thuận, tôi đã vượt Trường Sơn suốt 102 ngày đêm vào đến Đắk Lắk và được phân công về làm công tác giáo dục tại H9 (Krông Bông). Tôi vừa làm quản lý, vừa trực tiếp giảng dạy các lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 4. Chân tôi đã in dấu khắp huyện, từ buôn Ngô, buôn Khanh, buôn Chàm… đến  Quảng Cư, Phước Trạch, Thăng Lễ… và nhiều nhất là Khuê Ngọc Điền.

Các thầy giáo, nhà văn trao đổi, chia sẻ với sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Đắk về những câu chuyện trong cuốn sách Giáo dục Đắk Lắk thời chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Các thầy giáo, nhà văn trao đổi, chia sẻ với sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Đắk về những câu chuyện trong cuốn sách "Giáo dục Đắk Lắk thời chống Mỹ". (Ảnh tư liệu)

Kỷ niệm chiến trường gian khổ: Đói, đau, nhạt muối thì ai cũng như ai. Tôi chỉ nêu vài hồi ức mà bản thân nếm trải.

Đôi dép cao su cũng như súng đạn, ba lô chứa tăng võng là vật bất ly thân, thế mà có lần đi qua suối Đắk Tua nước chảy xiết đã cuốn trôi chiếc dép. Tôi đặt vội tư trang lên bờ rồi chạy tắt đón đầu ước lượng dòng chảy đến chỗ suối rộng chảy chậm hơn để đón dép. May cho tôi, nhìn thấy vật đen đen lập lờ tôi dang tay đón lấy, đúng là dép cao su. Tôi ôm vào ngực mà cảm động rưng rưng. Ở chiến trường, dép đi hành quân, đi công tác tránh gai cào xước, tránh đá tai mèo coi như bảo vệ nửa mạng sống cho mình.

Nhớ buôn Khanh lại nhớ đến Ama Tuyên và Phạm Quốc Phòng (quê Hải Phòng, đã mất). Ama Tuyên là người địa phương, cán bộ giáo dục H9 đặc trách Trường Nội trú buôn Khanh. Vợ anh là Amí Tuyên cũng dạy học ở đây. Giáo viên, học sinh học nửa ngày, nửa ngày còn lại phải làm rẫy làm ruộng để tự túc lương thực. Có lần tôi đã chế vui một đoạn trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo về chuyện này: “Làm ruộng thì ta cho cuốc, phát rẫy thì ta cho rựa, so với ông Chương, ông Thuận bên tuyên giáo há chẳng kém gì…”. Gian khổ vẫn lạc quan tin vào thắng lợi.

Không ít lần địch tràn vào căn cứ, khi rút đi thế nào cũng đốt trường. Anh Hoàng Đức Hiển (quê Hải Phòng, đã mất) là Hiệu trưởng trường nội trú của tỉnh đóng tại buôn Chàm. Đêm đến, anh phải bò qua lính canh để lấy mấy quyển sách giáo khoa mà không nghĩ gì đến tính mạng. Sách giáo khoa ngày ấy xin tại Khu ủy V đóng tại Quảng Nam. Nhắc lại chuyện xưa, càng tự hào về đồng nghiệp một thời.

Trường Sư phạm cấp 1 do anh Nguyễn Trúc làm Hiệu trưởng được gọi dân dã là "Sư phạm Gốc Xoài", vì ở sân có cây xoài lớn, thầy trò dựng súng quanh gốc để sẵn sàng đánh địch xâm phạm. Có lần Nguyễn Trúc giữ súng trung liên chặn địch ở đồi Điện Ảnh nơi có đội chiếu phim để mọi người rút an toàn. Anh Trúc bị viên đạn sượt qua ngực nay vẫn còn vết sẹo kéo dài, may không chạm đến xương.

Lại nhớ đến Bùi Văn Đồng là người em, người đồng đội cũng ở Ban giáo dục H9. Đồng có tài gài súng ở rẫy tìm đường đi của thú rừng để lấy thịt ăn, đỡ phải đi bắn heo với nai rừng vào ban đêm. Có lần Đồng săn được nai, tôi đang mệt không muốn đi khiêng. Đồng bảo: “Cơ quan không còn ai, thầy phải cố lên sẽ có thịt ăn dài dài”. Chúng tôi khiêng nai về, kêu gọi mấy đơn vị ở đó xẻ thịt cùng nhau. Sau này, Đồng về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rồi được cử làm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Krông Pắc.

Thời ở rừng, ngoài việc tự túc lương thực, thầy và trò còn tham gia chống địch càn quét, chống biệt kích luồn sâu vào căn cứ. Địch đốt trường bao nhiêu lần thì chúng tôi dựng lại bấy nhiêu lần. Bàn ghế là cây lồ ô ken mây. Bảng là những tấm gỗ ghép, lại lấy khoai môn, nhọ nồi đánh cho đen; phấn trắng là những củ sắn phơi khô cắt thành thỏi, phấn màu là đá đỏ của núi Chư Yang Sin cung cấp. Khó nhất là bút vở, phải đi mấy ngày đường vào các dinh điền hoặc ở cửa khẩu. Anh Trần Văn Chắc, quản lý Trường Bổ túc văn hóa đã hy sinh khi đi mua hàng tận Kỳ Lộ, Phú Yên.

Mỗi dòng chữ các em học được, ai tính hết mồ hôi, nước mắt.

Bây giờ Đắk Lắk nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, phương tiện dạy học đầy đủ, lại nhớ về một thời gian khó, hy sinh. Tri ân đồng bào, đồng chí, đồng đội những năm gian khổ, để thêm tin yêu vào sự nghiệp giáo dục Đắk Lắk ngày càng phát triển...

Hữu Chỉnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.