Tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2024: Càng nhiều kỳ thi riêng, thí sinh càng “rối”!
Năm 2024, số lượng cơ sở giáo dục đại học tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ nhu cầu tuyển sinh tăng lên khiến các thí sinh và gia đình như đứng trước “ma trận”…
Trước năm 2002, để tuyển sinh đầu vào, các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức thi, tự ra đề và tự xét tuyển theo ba đợt thi. Do đó, thí sinh muốn học trường nào thường phải đến thi, luyện đề ở trường đó.
Đề thi không thống nhất nên điểm thi và điểm chuẩn trúng tuyển của các trường rất khác nhau và thí sinh không thể dùng điểm thi của trường này để xét tuyển sang trường khác nếu không trúng tuyển.
Từ năm 2002 đến 2014, kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học được tổ chức “3 chung”: chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả để xét tuyển.
Từ năm 2015 đến 2019, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở đại học sử dụng xét tuyển đầu vào.
Từ năm 2015 bắt đầu có trường đại học được phép tổ chức kỳ thi riêng.
Từ năm 2020 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.
Dường như từ đó, số lượng các kỳ thi riêng do các trường đại học tự tổ chức cũng tăng lên. Các kỳ thi này được gọi tên là thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay thi đánh giá đầu vào đại học... tùy từng cơ sở đào tạo.
Mùa tuyển sinh năm 2024 sẽ có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học. Tiêu biểu là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi riêng của ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Việt Đức. Nhóm 6 trường gồm ĐH Sài Gòn, ĐH Cần Thơ, ĐH Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, ĐH Tài chính - Marketing TP. Hồ Chí Minh tổ chức thi V-SAT và công nhận kết quả lẫn nhau.
Thực tế những năm qua cho thấy, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA) và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (APT) thu hút lượng thí sinh tham gia đông nhất vì có số lượng cơ sở giáo dục đại học lấy kết quả để tuyển sinh lớn nhất với con số tương ứng là khoảng 90 trường sử dụng kết quả kỳ thi HSA và 105 trường sử dụng kết quả APT năm 2024.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thăm hỏi, động viên giáo viên và học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên. Ảnh: Thanh Hường |
Ưu điểm của các kỳ thi riêng này là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển; đồng thời, cũng giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn sinh viên phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thì các kỳ thi riêng này cũng có nhiều hệ lụy. Kỳ thi này thường tập trung ở các thành phố lớn hay trung tâm của các tỉnh thành nên thí sinh khu vực vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đi lại sẽ không có cơ hội tham gia. Trong khi đó, một số trường ĐH lại tăng chỉ tiêu cho kỳ thi riêng, giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, phương thức xét học bạ nên điểm chuẩn đối với hai phương thức này cũng sẽ tăng lên khiến những thí sinh vùng khó khăn lại càng khó tiếp cận với giáo dục ĐH.
Việc nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ dẫn đến tình trạng tăng áp lực cho thí sinh. Các em có thể tham gia những kỳ thi của rất nhiều trường vì muốn tăng cơ hội, tăng tỷ lệ đậu vào ngành mình yêu thích. Kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy đều có những điểm khác biệt và đòi hỏi cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp nên hiện tượng “lò luyện thi” đối với các kỳ thi riêng này cũng được dịp nở rộ. Chưa kể, phụ huynh phải sắp xếp để đưa con em đi thi nên tiền ăn ở, đi lại, lệ phí thi trở thành một gánh nặng tài chính cho các gia đình.
Theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được tự chủ trong công tác tuyển sinh, do đó, các trường hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng. Tuy nhiên, việc tổ chức ngày càng nhiều các kỳ thi tuyển sinh riêng lại trái với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Trong bối cảnh các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở” như hiện nay, các thí sinh cần tỉnh táo, chuẩn bị tốt tâm lý, sức khỏe, kiến thức và cố gắng, nỗ lực hết sức để chỉ thi một kỳ thi riêng duy nhất thay vì tham gia nhiều nhất có thể.
Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc