Multimedia Đọc Báo in

Đừng để chủ trương xã hội hóa giáo dục bị thương mại hóa

10:55, 07/07/2024

Sự phát triển của ngành giáo dục với đa dạng các loại hình đã và đang khẳng định tính đúng đắn, xuyên suốt của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thu hút các nguồn lực xã hội góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện hơn.

Tuy nhiên, đằng sau chủ trương nhân văn này, vẫn còn nhiều “khoảng lặng”…

1. Cứ bước vào đầu mỗi năm học, tình trạng lạm thu trong trường học lại “nóng” trên các diễn đàn, mạng xã hội, trở thành nơi để “xả” những bức xúc của phụ huynh.

Một chủ trương mang tính nhân văn, nhằm huy động các lực lượng xã hội cùng chung tay góp sức chăm lo phát triển giáo dục, trong quá trình thực hiện lại “biến tướng” dưới nhiều hình thức, trở thành những khoản thu mà rất nhiều phụ huynh phải buộc lòng “tự nguyện”, đành tặc lưỡi thôi thì vì con.

Nào là tiền học tiếng Anh, tiền dạy buổi thứ hai, nào là quỹ vệ sinh, quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền gửi xe, tiền nước uống, tiền quản lý sổ liên lạc điện tử. Có trường còn vận động phụ huynh góp tiền mua các trang thiết bị như máy điều hòa, quạt điện, trồng cây xanh…

Cứ như thế, tình trạng lạm thu trong trường học vẫn cứ tồn tại dưới danh nghĩa “thỏa thuận” và “tự nguyện” từ năm học này đến năm học khác. 

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, xã hội hóa để huy động các nguồn lực xã hội lo cho giáo dục là chủ trương ý nghĩa. Vấn đề là đừng lạm dụng, thương mại hóa  các khoản đóng góp, vì như vậy có nghĩa là đùn đẩy gánh nặng chi phí giáo dục lên vai người dân.

Hãy để “xã hội hóa” thực sự là một cách làm nhân văn, là nơi thể hiện tinh thần tự nguyện của tổ chức, cá nhân quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Một giờ học tại Trường Tiểu học Trần Cao Vân ở xã Ea Sar, huyện Ea Kar. Ảnh: Nguyễn Xuân

2. Mới đây, hơn 1.000 học sinh ở một trường quốc tế (TP. Hồ Chí Minh) đã phải nghỉ học vì hầu hết giáo viên không đến trường giảng dạy khiến phụ huynh hoang mang, bức xúc.

Mặc dù chi phí phụ huynh phải đóng mỗi năm hàng trăm triệu đồng nhưng lý do nhà trường đưa ra trong việc chậm trả lương cho giáo viên dẫn đến học sinh phải nghỉ học là đang gặp khó khăn về tài chính.

Việc học sinh bỗng nhiên bị “đẩy ra đường” với bất kỳ lý do nào cũng là điều không thể chấp nhận được.

Chưa kể vì sự căng thẳng giữa mục tiêu thương mại và giáo dục, không hiếm trường mang danh “quốc tế” nhưng chất lượng chưa tương xứng. Và vì xem mình như doanh nghiệp nên hoạt động giáo dục chỉ chăm chăm vào lợi nhuận mà quên mất vai trò “trồng người” cao cả của người làm công tác giáo dục - đào tạo.

3. Đã có chuyện tại một trường tư thục chỉ vì học sinh chậm nộp học phí 2 ngày nên bị hủy kết quả trúng tuyển lớp 10, mặc dù học sinh này đã gắn bó với trường nhiều năm học trước đó.

Câu chuyện này dấy lên hai luồng dư luận chính, một bên cho rằng nhà trường làm như vậy là cứng nhắc, thiếu nhân văn, một bên thì cho rằng trường làm như vậy là hợp lý vì đó là quy định của nhà trường.

Ai cũng có lý của riêng mình như cách mà hiệu trưởng nhà trường trả lời với báo chí rằng: “Nhà trường quy định đến đó phải nộp học phí, nếu không nộp thì hủy kết quả, tạo cơ hội cho người khác”(*). Vị hiệu trưởng kia không sai; sự kiên quyết không nhận học sinh của nhà trường ngay cả khi ngành chức năng liên quan đã có văn bản đề nghị trường xem xét, tạo điều kiện để cho học sinh được làm thủ tục nhập học…, có lẽ cũng không sai, nhưng sự “không sai” ấy nó vô cảm, thiếu tình người đến gai lạnh.

Mục tiêu của giáo dục không chỉ là giúp con người khai mở những chân trời tri thức, phát huy tối đa sáng tạo của cá nhân, giải phóng tư duy, năng lực trí tuệ mà còn là sự bồi đắp tình yêu thương, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người. Cho nên, người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo không chỉ phải luôn luôn trau dồi, mở rộng dung lượng kiến thức mà còn phải mở rộng “dung lượng” trái tim. 

(*) Chậm nộp học phí 2 ngày, học sinh bị hủy kết quả trúng tuyển lớp 10 (Tuổi trẻ online, 21/6)

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.