Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục đại trà Đắk Lắk - Nhìn từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024

15:56, 19/07/2024

Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và số trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% của tỉnh Đắk Lắk đều tăng so với năm trước. Kết quả đó phần nào phản ánh sự nỗ lực của ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy học. 

Trường vùng khó có tỷ lệ đỗ 100%

Năm 2024 là năm thứ 3 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk) đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Trong tổng số 152 học sinh của trường đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có 139 học sinh dân tộc thiểu số.

Buổi học nhóm của học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk).
Buổi học nhóm của học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk).

Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường đóng chân ở vùng khó, phần lớn học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số nên điều kiện học tập rất hạn chế. Nhưng bù lại, giáo viên của trường nhiệt huyết; học sinh ngoan hiền, cầu tiến, chịu khó học tập và phối hợp rất tốt với giáo viên trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục linh hoạt nhà trường đưa ra.

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98,3%, tăng 1,7% so với kỳ thi năm 2023; có 20 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, tăng 4 trường so với năm 2023. Toàn tỉnh có 86 điểm 10, tập trung ở môn Địa lý (28 điểm 10), Giáo dục công dân (23 điểm 10), Lịch Sử (17 điểm 10), Hóa học (13 điểm 10)…

Từ cuối học kỳ I năm học 2023 – 2024, trên cơ sở các bài kiểm tra, đánh giá, trường đã phân luồng học sinh theo năng lực học tập; đặc biệt quan tâm tới những em còn hổng kiến thức để có hướng kèm cặp sát sao theo từng môn; triển khai nhiều biện pháp ôn tập cho học sinh trong giờ học chính khoá, phụ đạo, giao bài, thi thử tốt nghiệp...

Hiện tại, các nhóm học tập trên mạng xã hội vẫn đang được duy trì để thầy trò cùng trao đổi tài liệu từng học và cách thức lựa chọn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho các em.

Thành lập năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trường THPT Võ Nguyên Giáp (huyện Ea Kar) gặp không ít khó khăn.

Trường mới, học sinh mới nhưng các em không được đến lớp học tập mà phải học trực tuyến; đội ngũ cán bộ, giáo viên ít ỏi; giữa giáo viên và học sinh chưa có nhiều sự tương tác trực tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhờ sự quan tâm của ngành, chính quyền địa phương và sự phối hợp của phụ huynh, các giáo viên trong trường đã vượt khó để bảo đảm kế hoạch giảng dạy, theo dõi chặt chẽ quá trình học tập của học sinh. 

Nhà trường chú trọng đổi mới mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; quan tâm đến việc bồi dưỡng học sinh giỏi và rà soát, kịp thời phát hiện, dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém; tích cực tham gia các phong trào  thi đua dạy và học tốt của toàn ngành…

Qua đó, chất lượng dạy học được nâng lên. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tất cả 246 thí sinh của trường tham dự đã thi đỗ, đạt tỷ lệ 100%. 

sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp (huyện Ea Kar) tham dự Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024.
Học sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp (huyện Ea Kar) tham dự Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024.

Thách thức trước thềm năm học mới 

Theo đánh giá của ngành giáo dục, mặc dù kết quả thi chưa đạt như kỳ vọng và đặc biệt là khi đối sánh với thành tích giáo dục mũi nhọn nhiều năm qua của tỉnh, nhưng đã phần nào phản ánh được sự nỗ lực của toàn ngành bởi đỗ tốt nghiệp là mục tiêu cần đạt sau 12 năm đèn sách của học sinh.

Có nhiều lý do khiến kết quả thi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là thứ hạng kết quả điểm trung bình các môn của tỉnh Đắk Lắk vẫn nằm tốp cuối trong cả nước.

Theo đó, năm học 2023 – 2024, khi triển khai song song Chương trình giáo dục 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhất là sự thiếu thốn về đội ngũ giáo viên. Trong khi đó, bậc học THPT là bậc học nặng nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay. Các em học sinh niên khóa 2021 – 2024 bắt đầu những năm đầu cấp trong điều kiện dịch bệnh, nhiều học sinh khó khăn không có phương tiện để học trực tuyến nên các em khá thiệt thòi.

Thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Điểm thi Trường THPT Hồng Đức, TP. Buôn Ma Thuột.
Thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Điểm thi Trường THPT Hồng Đức, TP. Buôn Ma Thuột.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh 20 phương thức khác nhau, trong đó có nhiều phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh (sử dụng kết quả học tập, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của cơ sở đào tạo khác…) nên nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm, tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ để đỗ tốt nghiệp đã phần nào ảnh hưởng đến điểm số trung bình các môn thi.

Cùng với đó, sinh viên đại học sau khi ra trường gặp khó khăn về việc làm do đó nhiều học sinh đã có sự lựa chọn nghề nghiệp từ sớm mà không học tiếp đại học, cao đẳng…

Giáo dục mang tính chất kế thừa và tiếp nối giữa các năm học. Kết quả của năm học này là tiền đề của năm học sau. Do đó việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại trà cần phải có đà để đi lên.

Đây sẽ là thách thức của toàn ngành trước thềm năm học mới 2024 – 2025.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc