Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X: “Nóng” vấn đề chất lượng giáo dục

21:35, 11/07/2024

Ngày 11/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ và hội trường với nhiều nội dung quan trọng, được đại biểu và cử tri quan tâm. Đặc biệt vấn đề về nâng cao chất lượng giáo dục và công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã tạo nên sức “nóng” tại nghị trường…

Thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về chất lượng giáo dục

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu phản ánh, nhân dân và cử tri đang rất quan tâm đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Theo đại biểu, trước thực trạng, kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của tỉnh đạt rất thấp, điều này đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng GD-ĐT hiện nay. Các trường tuyển sinh chưa đạt theo chỉ tiêu đề ra; số học sinh không trúng tuyển chưa có trường để học tập cũng tạo nên tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh.

Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” tại tỉnh đang còn nhiều bất cập; chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự thu hút được học sinh; cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn, thiếu giáo viên nên việc phân luồng tuyển sinh chưa đạt yêu cầu.

Đại biểu Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc nêu rõ: Định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn; trong đó ngành giáo dục đề ra chỉ tiêu có 40% học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc trường cao đẳng, trung cấp nghề. Tuy nhiên trên thực tế, tỉnh vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Năm học 2024 – 2025, huyện Krông Pắc có 300 học sinh xét tuyển, thi tuyển vào lớp 10 không đạt, phải phân luồng vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Theo đại biểu Trần Hồng Tiến, việc vận động học sinh vào vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn vấp phải nhiều khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc học sinh di chuyển lên TP. Buôn Ma Thuột học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề vừa xa xôi, vừa không thuận lợi trong chi phí đi lại, ăn ở. Ngoài ra, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, chất lượng đào tạo nghề chưa thật sự hấp dẫn học sinh. Do đó, đây là những thách thức đòi hỏi phải giải quyết kịp thời để công tác phân luồng đạt hiệu quả cao.

Cùng chung nhận định về vấn đề này, đại biểu Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết: Trên địa bàn huyện Ea Kar hiện có 5 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Năm học 2024 - 2025, toàn huyện có hơn 2.000 học sinh có nhu cầu học lớp 10. Bằng các giải pháp tạm thời, (qua thi tuyển và tăng học sinh mỗi lớp lên 44 em), hiện nay đã giải quyết nhu cầu được 1.800 em. Tuy nhiên, theo các quy định mới của Bộ GD-ĐT, tiến tới phải dần giảm số học sinh/lớp để nâng cao chất lượng dạy và học; trong khi thực tế hiện nay số lượng giáo viên giảm, số trường học và số lớp học không tăng, số học sinh vào lớp 10 trên địa bàn huyện trong những năm qua ngày càng tăng... Đây là những thách thức của huyện trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS hiện nay. 

Đại biểu Y Nhuân Byă cũng thông tin thêm: Những năm qua, để giải quyết nhu cầu học lớp 10, huyện đã chi từ ngân sách địa phương, giao Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở thêm lớp và mượn cơ sở vật chất của các trường THPT để dạy và học, không để học sinh nào không có trường học. Song giải pháp này cũng chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, để công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả, tỉnh cần đầu tư cơ sở vật chất cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và tăng số lượng giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Đình Viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Nguyễn Đình Viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về chất lượng giáo dục của tỉnh. Qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa rồi, có thể thấy rằng chất lượng giáo dục đại trà không cao. Từ đó cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành trong giải quyết vấn đề trường lớp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học cần có quy hoạch cụ thể và tính toán lâu dài. Ngoài ra, cần quản lý thu – chi và đề cao tính dân chủ trong trường học…

Cần kịp thời giải quyết những bất cập

Giải trình tại phiên thảo luận, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp cho biết, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông; thực hiện phân luồng học sinh sau THCS. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 12 trường THPT tổ chức thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10; các trường còn lại tổ chức xét tuyển. Đối với các trường ngoài công lập thì xây dựng phương án tuyển sinh riêng. 

Đến thời điểm hiện tại, số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là 21.218 em (thi tuyển 4.663 em, xét tuyển 16.555 em). Số học sinh trúng tuyển vào tư thục là 2.043 em. Số học sinh vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các cấp là 3.683 em. Ngoài ra, trên địa bàn có 3.075 học sinh theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề (có 5 trường chưa báo cáo). UBND tỉnh đã tổ chức họp, thống nhất chủ trương tăng số học sinh lên 44 em/lớp. Như vậy, toàn tỉnh còn hơn 900 em học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ được bố trí, khuyến khích vào học tại các trường nghề. 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp giải trình tại phiên thảo luận hội trường.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp giải trình tại phiên thảo luận hội trường.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp nêu rõ: Bên cạnh chủ trương tăng chỉ tiêu, số lượng học sinh mỗi lớp để kịp thời giải quyết bất cập, ngành đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chủ động sử dụng kinh phí được giao trong dự toán phân cấp để chi trả chế độ giảng dạy cho giáo viên (tăng thêm) và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục hiện nay. Đặc biệt, năm học 2024 – 2025, ngành dự kiến tuyển thêm 1.273 giáo viên, điều này sẽ phần nào khắc phục về tình trạng thiếu giáo viên.

Về lâu dài, ngành chủ trương thực hiện tốt công tác truyền thông về phân luồng sau THCS; làm tốt công tác dự báo nhu cầu và công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Ngành cũng kiến nghị tỉnh nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; mở rộng quy mô các trường công lập; tăng cường xã hội hóa giáo dục…

Phát biểu kết luận nội dung liên quan đến các vấn đề về giáo dục, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa cho biết: Trên cơ sở báo cáo của Sở GD-ĐT, sau khi đã thực hiện các giải pháp trước mắt như tăng chỉ tiêu cho các trường thì vẫn còn hơn 900 học sinh phải tìm trường cho các em đi học, đây là vấn đề mà cử tri cũng rất quan tâm.

Chủ tịch HĐND Huỳnh Thị Chiến Hòa cũng thông tin thêm: Sau khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thi tuyển sinh vào lớp 10. Qua đó sẽ đánh giá tổng thể lại chất lượng GD-ĐT trong thời gian qua. Sau khi thực hiện công tác khảo sát, giám sát xong sẽ có báo cáo để cùng với UBND tỉnh tìm giải pháp lâu dài, căn cơ hơn để giải quyết các vấn đề còn bất cập nhằm thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn công tác giáo dục trong thời gian tới…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.