Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

12:32, 19/08/2024

Ngày 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Năm học 2023 - 3024, ngành giáo dục đã thực hiện theo đúng chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; qua đó đã từng bước khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra; đặc biệt là việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học. Ngành cũng đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”...

Năm học 2023 - 2024, cả nước có 15.256 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 19 cơ sở so với năm học 2022 - 2023); 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 176 cơ sở); 19.651 cơ sở giáo dục thường xuyên (tăng 834 cơ sở). Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 98,17%.

63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; trong đó có 35/63 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 54% (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái). 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; trong đó 15/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn mức độ 2, 8 tỉnh đạt chuẩn mức độ 3…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh chụp qua màn hình.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh. Học sinh Việt Nam đã giành được 1 giải Nhì trong Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ (đây là giải cao nhất từ năm 2013 đến nay); các đoàn dự thi Olympic khu vực và quốc tế giành được 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng, một bằng khen; đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; đội tuyển Olympic Hoá học quốc tế đứng thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự…

Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên; giáo dục thường xuyên được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập, nghiên cứu… Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc với 1.071.393 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,96% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt khoảng 99,4%...

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 60,92%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,3%...

Chủ đề năm học 2024 - 2025 là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”. Do đó, toàn ngành tiếp tục triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"...

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giáo dục phát huy những kết quả đã đạt được của năm học 2023 – 2024 để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024 – 2025; trong đó chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa và tổ chức tốt Lễ khai giảng (ngày 5/9), tạo không khí vui tươi, lành mạnh cho năm học mới. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, đặc biệt là người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.