Multimedia Đọc Báo in

Bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh

08:58, 01/09/2024

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, việc bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh thông qua những hoạt động thiết thực, phù hợp giúp nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng các em đến những giá trị cội nguồn.

Bảo tồn, quảng bá nét đẹp văn hóa

Mong muốn giữ gìn, quảng bá những giá trị truyền thống của dân tộc, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Cư M’gar đã thực hiện dự án "Bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Êđê thông qua bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt - tiếng Êđê".

Đây là bộ truyện tranh độc đáo được học sinh của trường miệt mài nghiên cứu, sáng tác trong khoảng thời gian 6 tháng dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nội dung bộ truyện giới thiệu về phong tục, tập quán, truyền thống yêu nước, văn hóa, con người, ẩm thực… của người Êđê gồm 6 tập: Cuộc sống của người dân Tây Nguyên (với 5 truyện nhỏ); Đi bắt nữ thần mặt trời (dựa theo sử thi Êđê: Bài ca chàng Đam Săn); Bác Hồ với Tây Nguyên (phỏng theo hồi ký "Trích hồi ký Khát vọng Tây Nguyên" của ông Y Ngông Niê Kđăm); Mùa xuân ơi tới đi (phỏng theo truyện ngắn "Mùa xuân ơi tới đi" của nhà văn Linh Nga Niê Kđăm); Những anh hùng dân tộc người Êđê; Một số phong tục, tập quán của dân tộc Êđê.

Giáo viên và học sinh thực hiện bộ truyện tranh song ngữ "Bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Êđê".

Sau khi hoàn thành, bộ truyện tranh song ngữ đã được nhà trường tuyên truyền, lan tỏa dưới nhiều hình thức như: giới thiệu trước cờ, in thành nhiều khổ trưng bày trên thư viện trường; mang đến các buôn làng cho già làng, người dân đọc. Đặc biệt, bộ truyện tranh cũng được nhà trường đưa lên hệ thống số, mỗi cuốn truyện sẽ có một mã QR, quét mã để nghe, đọc.

Cô Phan Thị Minh Lệ, giáo viên hướng dẫn chính của dự án chia sẻ, nhóm tác giả của bộ truyện tranh song ngữ không chỉ có học sinh dân tộc Êđê mà còn có nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, các em được phân công nhiệm vụ theo sở trường của bản thân và thực hiện thông qua sự định hướng, khơi gợi của giáo viên. Đây cũng là cơ hội để học sinh hiểu rõ về văn hóa của người Êđê, đồng hành cùng nhau truyền đi thông điệp bảo tồn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc và thắp lửa niềm tự hào về văn hóa dân tộc cho các em. Với ý nghĩa đó, dự án đã đoạt giải Nhì cấp tỉnh tại Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật – Khởi nghiệp dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 .

Khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc

Thời gian qua, nhiều trường học đã lồng ghép, đưa vào chương trình giảng dạy các hoạt động ngoại khóa truyền dạy về văn hóa truyền thống. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), với đặc thù học sinh của trường hầu hết là người dân tộc Êđê, hằng năm, nhà trường đã nghiên cứu, triển khai các mô hình như: “Giữ gìn, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm”, “Ẩm thực vùng miền”, “Giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống mây, tre đan”… Mỗi mô hình thu hút đông đảo học sinh tham gia, các em rất thích thú và hào hứng khi tự mình có thể làm ra được những sản phẩm mang bản sắc của dân tộc mình.

Theo thầy Nguyễn Tiến Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, thông qua việc giáo dục, lồng ghép tuyên truyền về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong nhà trường nhằm khuyến khích tinh thần ham học hỏi, tạo điều kiện giúp học sinh có cơ hội được tiếp xúc với văn hóa, nghề truyền thống. Để từ đó khơi dậy niềm đam mê, tình yêu văn hóa, hướng các em đến những giá trị bản sắc của dân tộc mình.

Tiết mục nghệ thuật tại Ngày hội giao lưu văn hóa, văn nghệ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Đắk Lắk năm 2023.

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột), trong những năm qua, nhà trường đã mời các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên đến chia sẻ, truyền đạt kỹ năng, cách diễn tấu cồng chiêng và điệu múa dân gian Tây Nguyên cho học sinh. Đặc biệt, những em đã học thành thạo sẽ hướng dẫn lại cho các học sinh khác. Điều này giúp lan tỏa tình yêu văn hóa cồng chiêng cho học sinh qua nhiều thế hệ. Trường cũng thành lập câu lạc bộ cồng chiêng tích cực tập luyện, tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình, sân chơi văn hóa nghệ thuật dành cho học sinh.

Bên cạnh việc giáo dục trong khuôn viên nhà trường, thông qua các cuộc thi, hội thi cũng góp phần mang lại hiệu quả trong triển khai hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống cho học sinh.

Đơn cử như “Ngày hội giao lưu văn hóa, văn nghệ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã tạo sân chơi hấp dẫn cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tại ngày hội, các em học sinh tự tin khoác lên mình trang phục truyền thống, trình diễn nhạc cụ dân tộc, biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi dân gian, qua đó đã tái hiện sinh động bức tranh đa sắc màu về đời sống, sinh hoạt, văn hóa của các dân tộc.

Thông qua ngày hội là cơ hội để học sinh có dịp tìm hiểu, khám phá, bồi đắp tình yêu văn hóa của các dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc