Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

08:45, 13/09/2024

Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, các cơ sở giáo dục đã chủ động triển khai kế hoạch năm học 2024 – 2025 theo tình hình thực tế.

Chủ động, linh hoạt tùy theo thực tế

Năm học 2024 – 2025 Trường THCS Nguyễn Du (TX. Buôn Hồ) có 17 lớp với 635 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 162 em. Trường có 31 giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định, bảo đảm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì trường vẫn đang thiếu 2 giáo viên là giáo viên dạy môn học thành phần Vật lý của môn Khoa học tự nhiên và giáo viên Tổng phụ trách Đội.

Thầy Huỳnh Tấn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Bộ GD-ĐT quy định bậc THCS cần có 1,9 giáo viên/lớp. Cùng với việc đề nghị cấp trên bổ sung giáo viên theo quy định, trước mắt, nhà trường đã giao giáo viên trẻ tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của giáo viên Tổng phụ trách Đội; tăng cường thời lượng dạy và học 2 môn thành phần là Hóa học và Sinh học (môn Khoa học tự nhiên), khi có giáo viên Vật lý sẽ dạy tăng cường sau để bảo đảm tiến độ chung của chương trình học cho học sinh khối 8 và khối 9.

Giáo viên Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa tại trường trong năm học 2024 - 2025.

Năm học 2024 – 2025, học sinh khối 9 của trường cũng lần đầu học sách giáo khoa mới nên bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa, nhà trường còn mua thêm sách tham khảo và sách giáo khoa bổ sung vào thư viện để học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn không có khả năng mua sách mượn để học; giáo viên mượn làm tài liệu phục vụ giảng dạy.

 

Năm học 2024 – 2025, chương trình GDPT 2018 được triển khai đồng bộ ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 - 12; trong đó khối 5, khối 9 và khối 12 lần đầu áp dụng cách đánh giá học sinh theo tinh thần đổi mới là: đánh giá cả quá trình, theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh...

Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) N’Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) năm học này có 18 lớp với 554 học sinh thuộc 21 dân tộc cư trú tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Bông, Krông Pắc, Lắk, Ea Súp. Để tổ chức dạy và học hiệu quả, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể để đón học sinh, ổn định chỗ ở và tâm lý học xa nhà cho các em. Trước khi bước vào năm học mới, trường đã tập trung học sinh sớm hơn so với lịch chung của tỉnh; hướng dẫn học sinh cách gìn giữ vệ sinh chung, triển khai vệ sinh trường lớp, chỗ ở; nắm thông tin về sức khỏe của học sinh đầu năm học…

Em Tống Thị Thu Nguyệt, học sinh lớp 12A1, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng chia sẻ, nhà em ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) cách trường hơn 70 km nên em lựa chọn ở nội trú tại ký túc xá của trường. Từ ngày 26/8, em đã tự đi xe buýt đến trường theo thông báo của nhà trường để dọn dẹp vệ sinh phòng ở; mua sắm thêm bút, vở, sách tham khảo, quần áo… chuẩn bị cho năm học. Nhà trường cũng hướng dẫn cách tra cứu thông tin trên mạng Internet và tổ chức ôn tập kiến thức lớp 10, 11 nên em và các bạn đã bước vào năm mới 2024 – 2025 với sự phấn chấn, hồ hởi.

Kết hợp đánh giá sự đổi mới giáo dục tại cơ sở

Năm học 2024 – 2025 thị xã Buôn Hồ có 63 cơ sở giáo dục với 598 lớp, 18.997 học sinh. Triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, Phòng GD-ĐT thị xã yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình GDPT 2018; đặc biệt là thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh…

Buổi học đầu năm học mới 2024 - 2025 của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (thị xã Buôn Hồ).

Phó Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ Nguyễn Văn Toàn cho hay, ngành giáo dục thị xã sẽ bám sát chủ đề năm học để thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, chăm lo tốt cho học sinh địa phương. Trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp, đặc biệt là khối lớp cuối cấp; chủ động rà soát và phát triển chương trình GDPT 2018 phù hợp với cơ sở vật chất nhà trường, nhất là nội dung về hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm… Qua đó, có sự đánh giá cụ thể về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tại trường và trên địa bàn thị xã, nhất là chương trình học, khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh từng khối lớp tại trường... nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT,  các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã bước vào năm học mới thuận lợi với sự chuẩn bị chu đáo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học. Bám sát chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” và dựa trên tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục đã phát huy sự chủ động, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ giáo viên để xây dựng và thực hiện kế hoạch năm học..

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.