"Làm mới" những trang sách
Những sáng kiến, cách làm mới trong việc phát triển văn hóa đọc đã góp phần xây dựng thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu với sách, đồng thời lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người.
Viết tiếp những câu chuyện đẹp
Được gia đình và thầy cô quan tâm hướng dẫn, khuyến khích, em Võ Hoài An, học sinh lớp 3A, Trường TH-THCS Lý Tự Trọng (huyện Ea Kar) đã bắt đầu đọc sách từ năm lớp 1. Mỗi ngày em thường dành từ 2 - 3 tiếng để đọc sách và nghiền ngẫm những điều đã đọc. Mới đây, khi tham gia vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2024, ở nội dung Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách, em đã viết lại cái kết dành cho truyện “Cô bé bán diêm” của nhà văn An-đéc-xen.
Theo đó, em đã xây dựng hình tượng một gia đình xuất hiện trong đoạn kết với sự quan tâm ấm áp từ những hành động, lời nói dành cho cô bé bán diêm. Chính điều này đã giúp cô bé biết rằng những người xung quanh không hề bỏ rơi mình. Từ niềm tin đó, cô bé đã vượt qua được đêm đông giá lạnh và tiếp tục sống.
Em Võ Hoài An cùng giáo viên đọc sách trong thư viện. |
Hoài An tâm sự: “Trong cuộc sống, đôi khi những trò chơi điện tử trên điện thoại di động khiến em cảm thấy hứng thú hơn những trang sách đầy chữ, nhưng khi thật sự dành thời gian để đọc và ngẫm nghĩ, em đã hiểu được niềm vui, nỗi buồn của nhân vật, từ đó viết ra những cái kết đẹp mà họ xứng đáng được đón nhận. Khi đọc cuốn truyện "Cô bé bán diêm", em cảm thấy vô cùng xúc động, thương cảm cho số phận của nhân vật. Vì vậy, em đã viết lại cho cô bé ấy một cái kết mới với cuộc đời tươi đẹp hơn”. Với tình cảm hồn nhiên, tâm nguyện chân thật, thấm đẫm tình yêu thương và tràn đầy tinh thần lạc quan, đoạn kết viết lại ấy đã giành được giải Nhất nội dung thi này.
Vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Đắk Lắk năm 2024 có 3.060 thí sinh thuộc 57 đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tham gia. Qua đó, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn 6 bài dự thi xuất sắc tham gia vòng Chung kết toàn quốc cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. |
Đọc nhiều kết truyện mới được Hoài An viết lại, cô Hàn Thị Mỹ Nga, giáo viên môn Ngữ Văn (Trường TH-THCS Lý Tự Trọng) không khỏi bất ngờ trước trí tưởng tượng phong phú của em, cô bày tỏ: “Biết được tầm quan trọng của đọc sách, khi dạy học tôi luôn cố gắng tìm phương pháp đọc phù hợp khiến học sinh hứng thú. Cách làm của Hoài An tôi thấy khá hay và đã hướng dẫn cho các học sinh làm theo cách tương tự. Nó không đơn giản chỉ là xây dựng niềm vui từ việc đọc sách mà còn giúp nuôi dưỡng lòng thương người, tình yêu đối với gia đình, quê hương và đất nước”.
Được biết, Trường TH - THCS Lý Tự Trọng mà Hoài An đang theo học nằm trên địa bàn xã Ea Sô - xã vùng sâu còn nhiều khó khăn ở huyện Ea Kar. Để xây dựng thói quen đọc sách hằng ngày, nhà trường và giáo viên luôn chú trọng việc xây dựng thư viện với hơn 1.000 đầu sách đủ thể loại như văn học, lịch sử, khoa học… để tạo không gian đọc sách và tạo điều kiện cho học sinh tích cực sáng tạo.
Vị trí mới cho những cuốn sách cũ
Em Tạ Thị Thúy Ngân (18 tuổi, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng), cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Krông Năng) cũng có tình yêu bất tận với sách và luôn mong muốn lan tỏa đam mê đó đến với mọi người. Từ đó, em đã có sáng kiến mang tên “Gieo chữ nơi buôn làng”, thông qua việc thu gom những cuốn sách cũ, sách đã qua sử dụng để xây dựng tủ sách cộng đồng.
Em Tạ Thị Thúy Ngân (thứ hai từ trái sang) đoạt giải Nhất nội dung Sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng trong vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Đắk Lắk năm 2024. |
Thúy Ngân cho biết, ý tưởng này xuất phát từ thực tế về tình hình phát triển văn hóa đọc tại chính địa phương của mình. Dliê Ya là xã vùng sâu, vùng xa, đời sống nhiều mặt của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy các bạn nhỏ khó có cơ hội được tiếp xúc với những trang sách ngoài sách giáo khoa, ảnh hưởng đến việc xây dựng thói quen đọc sách. Trình bày ý tưởng và bắt tay vào việc xây dựng tủ sách cộng đồng, Thúy Ngân may mắn nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và thầy cô.
"Thông qua thầy cô, bạn bè và mạng xã hội, đến nay, em đã thu gom được hơn 50 quyển sách thuộc nhiều thể loại, lĩnh vực. Số sách này vẫn đang ngày càng tăng lên, em dự định khi đủ 100 quyển sẽ bắt đầu phân loại để gửi tặng cho thư viện trường học, tủ sách cộng đồng tại khu vực mình sinh sống. Tuy đó không phải là những cuốn sách mới về hình thức nhưng lại mới về nội dung. Việc liên tục cập nhật những cuốn sách hay, mới sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người đối với việc đọc sách. Em tin rằng với sự ủng hộ từ những người xung quanh, ý tưởng của mình sẽ sớm được hiện thực hóa”, Thúy Ngân bày tỏ.
Với sáng kiến này, Thúy Ngân đã đoạt giải Nhất nội dung Sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng trong vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Đắk Lắk năm 2024. Đây chính là nguồn động lực to lớn để em tiếp tục có nhiều phương pháp hay để giúp mọi người có thể xây dựng và duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc