Multimedia Đọc Báo in

Người học dùng AI làm bài tập, xử lý thế nào?

11:46, 15/09/2024

Sự việc một giáo viên Trường Phổ thông Cao đẳng FPT cho điểm 0 bài tập của học sinh vì nghi ngờ học sinh sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) làm bài đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng xã hội gần đây.

Mấu chốt tranh cãi là liệu học sinh có thật dùng AI để hoàn thành bài tập, và giáo viên hành xử khắt khe hay không…

Theo nhà trường, giáo viên đã có những lời lẽ “bêu riếu” học sinh trước những học sinh khác. Nhà trường đã kiểm tra bài thi, chấm điểm 5 cho người học, đồng thời chấm dứt hợp đồng giáo viên. Điều này gây nên phản ứng của nhiều người, cho rằng giáo viên làm đúng, không chấp nhận dối trá ở học thuật. Tranh luận của giáo viên chỉ là cố gắng chỉ ra những điểm “sao chép” do dùng AI để làm bài tập. Đến khi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lên tiếng, yêu cầu kiểm tra sự việc thì nhà trường thỏa thuận lại để giảng viên tiếp tục giảng dạy.

Câu chuyện này đặt ra vấn đề, rằng tính liêm chính trong học thuật sẽ được xử lý ra sao trước sự “lấn sân” của công nghệ số?

Thực tế, đây cũng là tình trạng đang diễn ra ở nhiều trường học ở nhiều nước, khi AI ngày càng phát triển và phổ biến. Đơn cử như, từ năm 2022 lại đây, ngành giáo dục các quốc gia châu Âu đã phát hiện hàng nghìn vụ việc học sinh, sinh viên, kể cả giảng viên sử dụng phần mềm ChatGPT trong học tập, lấy các bài viết của AI giải đáp bài tập, làm luận án, đề cương… Nhiều người còn châm biếm ChatGPT thực chất là công cụ để “làm bài gian lận”.

Việt Nam cũng không tránh khỏi trào lưu ấy khi việc làm quen, học tập sử dụng AI ngày một phổ biến hơn. Đã có nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… “đau đầu” khi các nhân viên sử dụng AI vào hoàn thiện các hồ sơ công việc, viết các báo cáo công việc. Trong thời gian tới, chắc chắn việc tiếp cận AI cũng sẽ lan tỏa nhanh vào nhà trường, và các học sinh, một cách đơn giản, sẽ tự động “copy” thành quả AI vào bài tập, bài làm là điều khó tránh khỏi.

Vậy đối với các thầy cô giáo, cách xử lý vấn đề nên như thế nào? Quan trọng ở chỗ, ngay chính các thầy cô đã đủ điều kiện và bối cảnh để nắm bắt được thực tiễn sử dụng AI trong các gia đình, ở học sinh hay chưa? Làm sao để phân biệt được chính xác những sản phẩm bài tập nào có liên quan đến AI?

Rõ ràng, điều này đòi hỏi ngành sư phạm phải nhanh chóng vào cuộc, cần được đầu tư và cải thiện môi trường ứng dụng công nghệ ngay trong trường học, để giúp nhà trường và giáo viên làm chủ được tình hình, kiểm soát, phát hiện những phần mềm, công cụ AI được học sinh sử dụng.

Chỉ khi nào các trường lớp có đủ các công cụ phát hiện, đối chiếu ra những “gian lận” về dữ liệu liên quan đến AI qua bài làm của học sinh, nhà trường mới đủ khả năng soát xét các sự việc phát sinh, bảo vệ tính trung thực trong học thuật mà không làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và quyền lợi của người dạy, người học.

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP. Buôn Ma Thuột, cũng là thành viên các diễn đàn máy tính và công nghệ số cho rằng, việc phát hiện ra gian lận trong thi cử, bài làm là có thể, vì đến nay, ngành xuất bản, giáo dục đã có các phần mềm tra cứu bản quyền; nhưng từ phát hiện này, đến tìm ra cơ sở dữ liệu để kết luận có công cụ AI can thiệp hay không lại là một vấn đề khác.

Hệ thống máy tính của các trường học, của ngành giáo dục cũng chưa đủ khả năng cài đặt, sử dụng những phần mềm dữ liệu đủ sức phát hiện gian lận dữ liệu hay dấu vết tương tác thông tin có liên quan đến công cụ AI. Cho nên, cảm nhận trực quan bằng kinh nghiệm giảng dạy vẫn sẽ là cơ sở chính để giáo viên đưa ra quyết định xử lý bài làm, bài tập… của người học, trong vấn đề có dùng AI vào việc học tập, làm bài hay không, và dùng đến mức độ nào.

Thực tế, ngành giáo dục là một trong những lĩnh vực then chốt, tiên phong về ứng dụng công nghệ số và các thành tựu tiến bộ khoa học. Điều này đồng nghĩa với hiện tượng học sinh sẽ dùng AI làm bài tập ở tương lai gần là không tránh khỏi. Càng là những gia đình có điều kiện, là học sinh ở các đô thị hiện đại, có môi trường viễn thông công nghệ tốt, sẽ càng dễ là đối tượng thỏa hiệp những công cụ AI “làm thay, học thay”. Vậy ngành giáo dục và các thầy cô càng cần sớm được hỗ trợ, bảo vệ, để tránh những sự cố đáng tiếc!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc