Multimedia Đọc Báo in

Điểm trường xuống cấp, cô trò phải mượn chỗ học nhờ!

08:36, 01/10/2024

Đầu năm học 2024 - 2025, toàn bộ trẻ của điểm trường thôn 13, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) thuộc Trường Mầm non Thiên Nga được chuyển đến học nhờ ở phòng giao ban của Nhà Đội sản xuất Nông lâm 8 của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737.

Ngoài điểm trường chính ở thôn 8, Trường Mầm non Thiên Nga có 2 điểm trường lẻ ở thôn 12 và thôn 13. Điểm trường thôn 13 cách điểm trường chính hơn 20 km, được xây dựng từ năm 2009, có 2 phòng học, 1 phòng công vụ và nhà vệ sinh. Điểm trường lẻ này tiếp nhận trẻ 5 tuổi (lớp Lá) của hai thôn 12 và 13. Năm học này có 45 cháu ra lớp.

Học sinh điểm trường lẻ thôn 13 (xã Ia R'vê) học nhờ phòng giao ban của nhà Đội Sản xuất nông lâm 8, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737.

Đầu tháng 8 vừa qua, Tổ kiểm tra cơ sở vật chất trường học của nhà trường phát hiện tại điểm trường lẻ thôn 13 có 7 vết nứt trên tường, trong đó có một vết kéo dài từ trần lớp học xuống tới nền đất; một số xà gồ bị mối mọt có nguy cơ sụp bất cứ lúc nào; nền lớp học có dấu hiệu sụt lún khiến cửa chính và cửa sổ của lớp học không thể đóng kín, không bảo đảm an toàn cho việc tổ chức dạy - học. Nhà trường đã báo cáo với chính quyền địa phương.

UBND xã Ia R’vê cũng đã báo cáo với UBND huyện, đồng thời làm việc với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 cho Trường Mầm non Thiên Nga mượn tạm phòng giao ban rộng khoảng 25m2 của Nhà Đội sản xuất Nông lâm 8 tổ chức dạy - học cho trẻ. 

"Ở đây, không có bếp, không khu ăn uống và nhà vệ sinh dành cho trẻ, UBND xã đã vận động các doanh nghiệp đang thi công công trình kênh mương trên địa bàn và Đoàn Kinh tế quốc phòng hỗ trợ vật liệu dựng tạm công trình mái che với diện tích 90 m2 làm nơi tổ chức ăn trưa và làm nhà vệ sinh cho các cháu", Chủ tịch UBND xã Ia R’vê Lê Văn Hoàng Lâm cho biết.

Điểm trường thôn 13 (xã Ia R'vê) có nhiều vết nứt trên tường, trần xà gỗ bị mối mọt.

Phòng họp giao ban chỉ rộng khoảng 25 m2 nên Trường Mầm non Thiên Nga đã phải gộp 45 học sinh ở 2 lớp Lá thành một lớp học. Cơ sở vật chất thiếu thốn, việc tổ chức bán trú cho trẻ hạn chế nên nhiều phụ huynh e ngại đưa con ra lớp. Vì vậy, sĩ số lớp trung bình chỉ đạt từ 35 - 40 học sinh/buổi, dù các cô giáo đã tuyên truyền, vận động phụ huynh cũng như nỗ lực tổ chức giảng dạy, chăm sóc trẻ. 

Cơ sở vật chất của điểm trường lẻ thôn 13 thật ra đã hư hỏng từ nhiều năm học trước, song cả nhà trường và phụ huynh đều cố gắng khắc phục để dạy - học.  Anh Nông Văn Gióng, Trưởng thôn 13 cho hay, tháng 10/2020, trong lúc các em đang học, tấm trần của hiên bất ngờ sụp xuống, nhờ có cánh cửa lớp che chắn nên không có ai bị thương, sau đó điểm trường đã được tu sửa lại. Từ đó, phụ huynh luôn cảm thấy bất an, song không còn sự lựa chọn nào khác nên đành đưa con em đến điểm trường để tiếp tục học tập.

“Chúng tôi rất mong có một điểm trường mới khang trang để tổ chức dạy học, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non mới toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”. Với việc dạy - học tạm như hiện nay, các cô giáo không thể tạo ra các góc học tập, không gian học tập, môi trường học tập trong và ngoài lớp học", cô giáo Huỳnh Thị Bích Vân, Hiệu trưởng nhà trường trăn trở.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.