Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội vào xã hội hóa giáo dục
Sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho công tác xã hội hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên.
Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lưu Tiến Quang; đại diện các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân đã góp phần kiên cố hóa trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên.
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2023, cả nước có trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, kiên cố hóa 36.000 phòng học, khoảng 1.300 phòng công vụ cho giáo viên. Tổng số kinh phí thực hiện ước khoảng 33.000 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9 ha…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Nhờ đó, số phòng học, tỷ lệ kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên tăng mạnh. Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013; trong đó, số phòng học kiên cố là 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013.
Việc xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non là 56,9%; tiểu học là 62,8%; THCS là 72,3%; THPT là 49,6%; trường phổ thông nhiều cấp học là 44,2%.
Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có 15.683 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; trong đó số phòng học kiên cố là 13.694 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 87,3%.
Hội nghị cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nâng tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa trên cả nước đạt 100% (khoảng 75.380 phòng học); đầu tư xây dựng đủ số phòng công vụ cho giáo viên theo nhu cầu (khoảng 10.794 phòng).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan đề xuất chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục. Trong đó chú trọng kiên cố hóa trường, lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học; tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên và tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường học đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số; huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo tư nhân, thu hút các doanh nghiệp tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc