Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

08:49, 19/11/2024

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 184.000 học sinh, học viên là người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 37% số học sinh, học viên tại các trường học, cơ sở giáo dục – đào tạo trên địa bàn.

Trong những năm qua, Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả các chính sách chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Với các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục của nhà nước, mạng lưới giáo dục trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển. Các chế độ, chính sách đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được triển khai đúng, đủ, kịp thời.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh tìm hiểu thực tế việc dạy và học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS Cư M’gar (huyện Cư M’gar).

Toàn tỉnh hiện đang đầu tư hơn 759 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa phòng học, phòng chức năng và công trình phụ trợ cho các trường học từ bậc mầm non đến THPT.

“Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng dạy và học vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT liên tục tăng qua từng năm; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Bên cạnh đó, các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề đã mở ra nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với trình độ, nhu cầu của từng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS”- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Tường Hiệp.

Riêng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2020 – 2030, đến nay, ngân sách đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho 18 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tại 14 huyện, thị xã, thành phố. Cơ sở vật chất tại các trường học đã đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày cho học sinh; có các phòng bộ môn để các em thực hành, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ước thực hiện đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 62% trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 1,1% so với năm 2023.

Song song với nhiệm vụ phát triển mạng lưới trường lớp, ngành giáo dục và đào tạo cũng thực hiện linh hoạt chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện của người học và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa ở địa phương. Các trường tiểu học ở vùng đồng bào DTTS đã tổ chức các hoạt động chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trong hè; tập huấn cho viên chức quản lý, giáo viên về dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS. Thời lượng dạy tiếng Việt cũng được tăng cường thêm 2 - 4 tiết/tuần để học sinh DTTS nói, viết, sử dụng tốt tiếng Việt trong các hoạt động học tập và giao tiếp hằng ngày.

Học sinh tại phân hiệu I, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pắc) tham gia hoạt động đọc sách tại Lễ ra mắt Thư viện lưu động. Ảnh: Lê Việt

Để góp phần bảo tồn tiếng nói và chữ viết cho học sinh người Êđê – cộng đồng DTTS chiếm 18% dân số toàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai hiệu quả chương trình dạy học tiếng Êđê. Năm học 2023 – 2024, chương trình dạy học tiếng Êđê được triển khai theo nhu cầu của học sinh tại 68 trường tiểu học, 12 trường THPT, 15 trường phổ thông dân tộc nội trú với thời lượng 2 tiết/tuần. Ngoài ra, các trường còn tăng cường tổ chức các chuyên đề, xây dựng các hoạt động mẫu về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh DTTS ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, thể hiện năng lực và phát triển bản thân..

Minh Viễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi khí thế thi đua chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk
Sáng 19/11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024) và phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025).