Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin chăm lo công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

11:23, 29/10/2014

Cùng với lồng ghép nhiều nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, huyện Cư Kuin đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên dân tộc thiểu số (DTTS), nhờ đó chất lượng giáo dục có những bước tiến rõ nét.

Năm học này, huyện Cư Kuin có 56 trường học các cấp, với gần 24 nghìn HS, trong đó HS DTTS chiếm trên 31%. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Trung tâm GDTX đang đào tạo 124 học viên (học viên DTTS chiếm 50%) và một trung tâm dạy nghề, ngoài đào tạo các ngành nghề phổ thông, huyện còn vận động trên 800 người dân học nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (trên 600 học viên DTTS, chiếm trên 73%). Bà H’Dat Knul, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin cho biết: Những năm qua, công tác giáo dục học sinh DTTS luôn được huyện quan tâm, các chế độ, chính sách đối với giáo viên, HS ở vùng DTTS, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Đơn cử năm học 2013-2014, huyện đã cấp phát gần 16.500 bộ sách giáo khoa, 233.210 cuốn vở, với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng cho HS thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị định 49 và Nghị định 74 của Chính phủ; cấp hơn 6,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn trưa cho trên 3.300 trẻ từ 3 đến 5 tuổi của 17 trường mầm non (kể cả trường ngoài công lập), trong đó có gần 1.100 cháu DTTS, với số tiền hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có hàng nghìn HS DTTS, HS nghèo yên tâm gắn bó với trường lớp nhờ cuộc vận động “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) của ngành Giáo dục với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Cô Phan Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học N’Trang Lơng (xã Ea Tiêu) chia sẻ: “Với trên 80% HS DTTS, những năm trước, việc vận động các em đến trường rất khó. Vào mùa thu hoạch cà phê, hầu hết lớp học nào cũng có vài em nghỉ học không lý do, cá biệt có lớp vắng hơn 10 em. Lúc ấy, thầy cô giáo phải đến tận nhà động viên phụ huynh cho các em đi học trở lại. Còn bây giờ, phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con cái, đều mong muốn các cháu chăm ngoan, học giỏi”.

Nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục, HS DTTS thêm yêu trường, mến bạn  (Ảnh: Minh họa)
Nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục, HS DTTS thêm yêu trường, mến bạn (Ảnh: Minh họa)

Là huyện mới thành lập, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên công tác quản lý giáo dục nói chung và quản lý giáo viên, học sinh DTTS cũng gặp không ít khó khăn. Song, xác định đầu tư cho giáo dục là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, huyện đã tập trung nguồn lực mở rộng quy mô trường, lớp học; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của HS trên địa bàn. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Cư Kuin còn tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, sự tự nguyện đóng góp của phụ huynh HS để tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, trong đó ưu tiên các trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia, trường có nhiều học sinh DTTS, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS vùng sâu, vùng xa đến trường. Vì vậy, đến nay đã có 16 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 30,18%. Bà H’Dat Knul, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin cho biết thêm: Để nâng cao chất lượng giáo dục HS DTTS, cùng với dạy văn hóa theo chương trình chung của Bộ GD-ĐT, Phòng GD-ĐT đã tổ chức tốt việc dạy tiếng Ê đê tại 4 trường tiểu học có đông HS DTTS, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 vùng DTTS, trẻ DTTS, đặc biệt trẻ mẫu giáo 5 tuổi bằng nhiều hình thức phong phú: sinh hoạt dưới cờ, tuần đầu năm học, giao lưu tiếng Việt, tạo cảnh quan, môi trường học tập tiếng Việt trong và ngoài lớp học, trong gia đình và ngoài xã hội... Nhờ đó, tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp ở các cấp học, bậc học tăng so với những năm trước đây. Cụ thể năm học 2013-2014, bậc học mầm non có 1.627 cháu, HS DTTS chiếm 33,5% (tăng 3,7%), bậc phổ thông có gần 600 em, HS DTTS chiếm 35,2% (tăng 2,2%). Kết quả trên đã giúp địa phương thực hiện thành công công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Đáng mừng là tỷ lệ học sinh DTTS đến trường chiếm 31,88% dân số.

Học sinh Trường Tiểu học N’Trang Lơng (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đang rèn khả năng tiếng Việt
Học sinh Trường Tiểu học N’Trang Lơng (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đang rèn khả năng tiếng Việt

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin H’Bliăk Niê, sự chuyển biến trong GD-ĐT ở vùng đồng bào DTTS thời gian qua là đáng khích lệ, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Sắp tới, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng trường, lớp khang trang, đào tạo giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên người DTTS. Bởi dù đã tăng 2,1% so với năm 2009, nhưng toàn ngành chỉ có 193 cán bộ, giáo viên, nhân viên là người DTTS, chiếm 10,6%. Bên cạnh đó tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ và đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên, HS DTTS có hoàn cảnh khó khăn: phụ cấp thu hút, trợ cấp cho giáo viên được điều động công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Riêng HS DTTS có hoàn cảnh khó khăn, ngoài cấp sách, vở, các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước quy định, cần quan tâm chăm lo hơn nữa, giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc