Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới giáo dục, bắt đầu từ nhà giáo

08:04, 20/11/2024

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, vai trò của người thầy cũng có những thay đổi để thích ứng, tạo nền tảng cho học sinh phát triển phẩm chất, năng lực của mình một cách toàn diện.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ LÊ THỊ THANH XUÂN, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Thanh Xuân.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Thanh Xuân.

* Thưa bà, trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo (cụ thể là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018), vai trò của giáo viên đã có những thay đổi như thế nào so với trước đây?

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời...

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018, vai trò của giáo viên đã có những thay đổi căn bản từ vị trí là người dạy sang thành người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh; thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về phương pháp dạy cho học sinh học qua làm. Cụ thể, giáo viên phải là người thực hành tốt, bởi trước đây dạy học chủ yếu theo hướng chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh, còn hiện nay dạy học theo hướng tiếp cận năng lực là dạy học sinh biết được và làm được. Muốn vậy, giáo viên phải có kỹ năng thực hành tốt .

Cùng với đó, giáo viên phải là người điều phối giỏi vì trong quá trình tổ chức dạy học, giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh thực hiện. Quá trình đó, giáo viên có nhiệm vụ đồng hành, hướng dẫn học sinh thực hiện nhiệm vụ được giao, theo dõi sự tiến bộ của học sinh và điều chỉnh quá trình dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh nhằm đảm bảo học sinh phát huy được những phẩm chất, năng lực của mình.

Đặc biệt, giáo viên phải là người cố vấn bởi sách giáo khoa không còn là nguồn kiến thức duy nhất học sinh được học; thay vào đó, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động giáo dục để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Giáo viên phải cố vấn để định hướng, hỗ trợ học sinh tự học, tự nghiên cứu, tự thực hành.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư Mgar) tham gia hoạt động STEM tại trường.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M'gar) tham gia hoạt động STEM tại trường.

*Để thực hiện những yêu cầu đó rất cần tư duy sáng tạo. Theo bà, lãnh đạo nhà trường cần làm gì để tạo môi trường nuôi dưỡng và phát triển tư duy sáng tạo của giáo viên?

Trường học là nơi để giáo viên sáng tạo và thể hiện sự sáng tạo của mình nên lãnh đạo nhà trường cần tạo dựng và duy trì hệ sinh thái sáng tạo trong dạy và học. 

Theo đó, lãnh đạo các trường phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên hiểu được chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước; vai trò của giáo viên đối với sự nghiệp đổi mới của ngành. 

Cùng với đó là động viên, khuyến khích giáo viên giữ nhiệt huyết với nghề, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên phát triển năng lực của mình; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng, tự học để có sự sáng tạo và sự hứng thú trong dạy học.

Nhà trường quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên, nhân viên nghiên cứu và học hỏi các mô hình giảng dạy mới; tích cực xây dựng các mô hình dạy học tiêu biểu... Cùng với đó là quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ và chính sách cho giáo viên, đảm bảo các quyền lợi của giáo viên theo quy định.

Tiết học ngoài trời của học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (huyện Cư Mgar).
Tiết học ngoài trời của học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (huyện Krông Ana).

*Ngành giáo dục Đắk Lắk sẽ làm gì để nhanh chóng thích ứng với sự đổi mới giáo dục và đào tạo, thưa bà?

Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai các giải pháp như: tiếp tục quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo hợp lý; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế; tích cực triển khai chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông…

Đối với công tác nâng cao chất lượng tổ chức dạy và học, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường bám sát Chương trình GDPT 2018 để thực hiện; linh hoạt, chủ động triển khai đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện…

Phát huy những ưu điểm của Chương trình GDPT 2018, mỗi giáo viên cũng cần phải nỗ lực đổi mới, tự học, tự nghiên cứu để có những tiết học thú vị, bài học hay cho học sinh. Bởi sự đổi mới, sáng tạo từ thực tế mỗi lớp học, trường học với học sinh cụ thể là nền móng căn bản để sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo đi vào cuộc sống.

*Xin cảm ơn bà!

Thanh Hường (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.