Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

08:20, 05/11/2024

Đẩy mạnh phương pháp giảng dạy và quản lý trên nền tảng số đã tạo môi trường học tập đa dạng, phong phú, có sự tương tác cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) trên địa bàn huyện Krông Bông.

Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui) có 22 phòng học, với 1.312 học sinh, trong đó có 91% học sinh là người dân tộc thiểu số. Xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, nhà trường đã trang bị tivi kết nối Internet cho các phòng học để thực hiện bài giảng điện tử; 100% giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; sổ đầu bài, quản lý học sinh đều được số hóa…

Các bài giảng do giáo viên bộ môn soạn bằng phần mềm, với nhiều hình ảnh, âm thanh minh họa sống động, tạo sự hào hứng, không khí sôi động trong mỗi giờ học. Trường cũng áp dụng học trực tuyến để tăng cường kiến thức và ôn thi học sinh giỏi. Tích cực thay đổi phương thức giáo dục, trường đã được ngành giáo dục kiểm định về chất lượng và đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trên địa bàn tỉnh ứng dụng 100% các phần mềm trong hoạt động quản lý và dạy học. Năm học 2024 – 2025, thầy và trò càng vui mừng hơn khi trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) thích thú với hình ảnh, âm thanh sống động trong giờ học tiếng Anh.

Thầy Phan Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết, sự quan tâm, đầu tư của ngành giáo dục và chính quyền địa phương về cơ sở vật chất trường, lớp, cùng với đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, nhạy bén đã tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục của nhà trường. Nhờ đó, công tác quản lý và dạy học được thực hiện nhanh gọn và hiệu quả hơn trước, giúp giáo viên và học sinh phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, nhà trường sẽ triển khai thực hiện bài kiểm tra cho học sinh trên máy tính.

Mặc dù là trường vùng sâu còn nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 96%, để bắt nhịp chuyển đổi số trong giáo dục, Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) không chỉ được đầu tư về cơ sở vật chất trường, lớp học mà các phòng còn được trang bị tivi, máy tính cho phòng tin học có kết nối hệ thống Internet tốc độ cao. Giáo viên cũng chủ động trang bị máy tính cá nhân để phục vụ việc giảng dạy. Cùng với đó, nhà trường tổ chức các chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các phần mềm trình chiếu và đánh giá hằng ngày, hỗ trợ công tác chủ nhiệm. Đồng thời, tích cực cập nhật dữ liệu lên hệ thống của ngành giáo dục, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh, học bạ số, giáo án điện tử… Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp nhà trường tinh gọn về hồ sơ, sổ sách và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy.

Tiết học tin học của học sinh trên địa bàn huyện Krông Bông.

Thời gian qua, ngành GD-ĐT huyện Krông Bông luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường xây dựng kho học liệu số (bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng…), ứng dụng các phần mềm trong hoạt động quản lý, dạy học. Đồng thời, bồi dưỡng năng lực khai thác và sử dụng thiết bị cho cán bộ, giáo viên. Phòng GD-ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, dự giờ và sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường qua hình thức trực tuyến. Ngoài ra, các trường còn lồng ghép việc giảng dạy với chương trình STEAM, giúp học sinh có thể giải quyết được các bài toán khó cũng như khám phá nhiều hiện tượng trong cuộc sống trực quan. Các trường cũng tổ chức nhiều cuộc thi như: cuộc thi Olympic tiếng Anh, thi đấu trường VioEdu...

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng GD-ĐT trên địa bàn huyện Krông Bông có nhiều đổi mới tích cực. Hiện 54/54 trường học trên địa bàn huyện đã đổi mới nội dung, phương pháp quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá và dạy học trên nền tảng số, tiến tới thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, bắt nhịp với xu thế của xã hội.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc