Multimedia Đọc Báo in

Dạy và học cốt để làm người

08:30, 05/12/2024

Trong bài báo đăng trên tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 9/2017, tác giả Đức Chính kể: Tháng 9/1949, Bác Hồ đến dự khai giảng lớp Chính trị cao cấp của trường Đảng, Bác đã viết vào sổ vàng của nhà trường, trong đó có câu “Học để làm việc, làm người”.

Gần nửa thế kỷ sau, năm 1996, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) nêu triết lý “Học” cho toàn thế giới với thông điệp “Học để biết. Học để làm. Học để chung sống với nhau. Học để làm người”.

Sau đó, Giáo sư Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã gửi tới UNESCO bản bút tích Bác Hồ viết năm 1949. Trong thư hồi đáp lại Giáo sư Trần Văn Nhung, đại diện của tổ chức này viết: “…Chúng tôi đặc biệt cảm ơn ông đã góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Câu chuyện cho thấy rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã mang tính toàn cầu và đi trước thời đại. Tư tưởng ấy luôn quán xuyến trong mọi chỉ đạo của Người. Ham muốn tột bậc của Bác Hồ là “ai cũng được học hành”; “trồng người” là lợi ích của trăm năm; “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”... Và Người đã chỉ ra mục tiêu lớn nhất của giáo dục, là “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Ảnh: Gia Anh
Giờ Tin học của học sinh Trường Trung cấp Tây  Nguyên tại cơ sở huyện Krông Pắc.  Ảnh minh họa: Gia Anh

Một đứa trẻ được sinh ra mới chỉ là con người. Nhưng từ “là người”, đến “thành người”, và cuối cùng là “làm người” là cả một quá trình mà không phải ai cũng đạt được, dù sống lâu đến đâu. Làm người ở đây được hiểu là làm những con người vừa có nhân cách, đạo đức tốt đẹp, giàu lòng nhân ái, vị tha; vừa có trình độ nhận thức, kiến thức, tri thức cao mang tầm thời đại, sẵn sàng cống hiến, dâng hiến tất cả tài năng tâm huyết cho đất nước, cho dân tộc, và đem lại tự do, hạnh phúc đích thực cho chính mình và gia đình.

*

Muốn “làm người” được như vậy, phải được dạy, và phải học. Có thể cuộc đời là người thầy và là trường học lớn nhất của mỗi con người với muôn vàn những bài học quan trọng và thiết thực. Những bài học trường đời ấy giúp con người rất nhiều về nhận thức, vốn sống, kỹ năng, kinh nghiệm để khôn lớn, trưởng thành.

Hiện tại, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới, trường học đang gặp những vấn đề nan giải. Bất bình đẳng giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, bạo lực học đường, bệnh thành tích, thu nhập của giáo viên không bảo đảm đời sống, các môn học ít gắn với thực tiễn, học sinh quá tải... Từ đó đã xuất hiện xu hướng homeschooling (học tại nhà), chủ yếu do phụ huynh không hài lòng với hệ thống giáo dục tại trường.

Nhưng dù trường đời hay gia đình có quan trọng đến đâu, cũng không thể thiếu trường học. Trường lớp, thầy cô giáo chính là môi trường lớn lên đầu tiên của mỗi đứa trẻ, là nơi chúng viết nên những con chữ đầu tiên trên trang giấy trắng cuộc đời, học những bài học đầu tiên để bắt đầu làm người. Vấn đề là thời đại đã đổi mới, con người đã khác trước quá nhiều thì hệ thống và phương thức “dạy làm người” cũng phải thay đổi.

Có thể thấy những mặt tồn tại và xung đột trong hệ thống giáo dục/trường học ở ta hiện nay, chủ yếu là do chậm đổi mới, chưa kịp thích nghi với thay đổi của cuộc sống và con người. Học quá nhiều nhưng chủ yếu vẫn là học vẹt, thi cử chồng chéo, nặng nề, rồi bạo lực học đường, tình trạng lạm thu... khiến học sinh mệt mỏi, xã hội lo lắng.

Đơn cử như những hiện tượng xung đột trong quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo. Bởi học sinh đã khác xưa, đã quá khác về tâm lý, lối sống lối nghĩ, không còn là đối tượng tiếp nhận thụ động. Có nghĩa quan hệ ứng xử theo lối cũ đã thay đổi. Những giáo viên mang tâm thế “bề trên” chuyên áp đặt, buộc học sinh nhất nhất phải tuân theo mình, thì dù tốt dù giỏi đến đâu cũng xem như nắm phần thất bại.

Đã đến lúc phải thay đổi, điều chỉnh lại quan điểm. Thầy trò phải là những người bạn. Phải biết lắng nghe, biết chấp nhận mình sai trước học trò. Tình yêu thương, đức hy sinh, sự bao dung của thầy với trò phải là bất biến, chỉ ai có phẩm chất này mới nên theo nghề và được tuyển dụng vào nghề. Bác Hồ đã dạy “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

*

Ở một khía cạnh khác, hai chữ “làm người” giữa thời đại công nghệ hiện nay càng trở nên quan trọng. Với bước tiến vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI) bây giờ, cuộc cạnh tranh giữa người và máy có lẽ chưa bao giờ lớn như lúc này. Con người trở nên lười biếng, ích kỷ, thụ động, lệ thuộc quá nhiều vào máy móc, ngày càng xa lạ ít quan tâm đến nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người, trong đó có những nhà khoa học nổi tiếng lo ngại rằng người máy đến lúc sẽ “thống trị” loài người. Có thể các nhà khoa học đã khá lo xa, nhưng nhìn vào tốc độ phát triển của kỷ nguyên công nghệ như hiện nay, những nhận định trên không phải là không có cơ sở. Để không còn cách nào khác, loài người phải tự cứu lấy “phẩm chất người” của mình. Bằng mọi cách. Trong đó giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. Một nền giáo dục tiên tiến và nhân văn, dạy con người đúng cách để làm người.

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc